Thương mại điện tử phục hồi chậm hơn logistic và thanh toán sau COVID-19
Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) đã công bố báo cáo "Thương mại điện tử Việt Nam tăng tốc sau dịch".
Báo cáo khảo sát các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực như thương mại điện tử, giải pháp logistic hay dịch vụ thanh toán. Điểm chung của họ là cung cấp dịch vụ trên nền tảng online.
Với trường hợp thương mại điện tử, các sàn đều trải qua giai đoạn khó khăn. Báo cáo thống kê vào tháng 5 cho thấy số gian hàng trên 80% sàn thương mại điện tử giảm so với cùng kì trước đó.
Đáng chú ý, giai đoạn tháng 2 - tháng 4 cũng là giai đoạn Bộ Công thương siết chặt công tác quản lí với các sàn thương mại điện tử. Kết quả thanh tra cho thấy một số gian hàng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi nên bị đóng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sàn giảm sâu về số lượng gian hàng.
Số đơn hàng cũng giảm. 80% số sàn thương mại điện tử tiết lộ mức tăng trưởng âm về số đơn hàng trên nền tảng so với cùng kì năm trước.
Hiện tượng này tương đối trái ngược so với thị trường nước ngoài. Ví dụ cụ thể nhất là Lazada tại Singapore. Doanh thu tháng 4 của sàn đã tăng 4 lần trong giai đoạn COVID-19 bùng phát ở quốc gia này.
Một trong những tín hiệu đáng tích cực là 20% sàn còn lại chứng kiến mức tăng trưởng về số đơn hàng so với cùng kì. Ngoài ra, 40% số sàn thương mại điện tử đạt mức tăng trưởng tuyệt đối so với tháng 1, thời điểm COVID-19 chưa bùng phát mạnh tại Việt Nam.
Logistic là ngành có tín hiệu phục hồi sớm hơn so với thương mại điện tử. 55% doanh nghiệp tiết lộ số đơn hàng tăng so với cùng kì năm trước. So với tháng 1/2020, 73% số công ty cung cấp dịch vụ giải pháp logistic có mức tăng trưởng dương về số đơn hàng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thanh toán, cụ thể là các ví điện tử, cho biết giá trị giao dịch trung bình đã tăng gấp rưỡi so với cùng kì 2019. Ngoài ra, đa số (60%) ví điện tử chứng kiến lượng tăng trưởng về số giao dịch trên nền tảng so với cùng thời điểm năm trước.