|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai sai lầm chí mạng trên trận địa thương mại điện tử của ông chủ sàn giao dịch ExpressPlus

07:53 | 10/07/2020
Chia sẻ
Với mô hình siêu thị, Hoàng Minh Thiết phải dừng lại vì không có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Khi chuyển sang mô hình thương mại điện tử, anh lao đao trước nhu cầu quá đa dạng, phức tạp của khách hàng.

Hoàng Minh Thiết, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Sức Mạnh Cộng, từng học và làm việc ở Hàn Quốc 3 năm trước khi trở về Việt Nam vào năm 2009. Làm đủ nghề để mưu sinh, đến năm 2012, khi có chút vốn, anh quyết định mở siêu thị tự chọn để kinh doanh.

"Hồi còn ở Hàn Quốc, tôi thấy siêu thị tự chọn khá phổ biến ở các thành phố, song khi đó nó vẫn là mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam", Thiết kể.

Sai lầm khi triển khai siêu thị ở quê hương

Để làm bài bản, Thiết thuê mặt bằng ở vị trí đắc địa, mua trang thiết bị hiện đại, lấy hàng của các nhà cung cấp chuyên nghiệp, triển khai hệ thống thẻ tích điểm giảm giá cho khách hàng. Anh tin tưởng rằng, với hệ thống bài bản, chuyên nghiệp, siêu thị sẽ mang tới nhiều lợi ích cho người mua và anh sẽ nhanh chóng có một lượng khách hàng trung thành.

"Lo bồi đắp qui mô, tiêu tốn các nguồn lực vào thẻ tích điểm, chúng tôi đã coi nhẹ khâu tuyển chọn, đào tạo nhân lực. Người thiếu, năng lực yếu nên chúng tôi không thể kiểm soát hàng nghìn danh mục sản phẩm mà công ty nhập về", Thiết lập luận.

Hai sai lầm chí mạng trên trận địa thương mại điện tử của ông chủ sàn giao dịch ExpressPlus - Ảnh 1.

Hoàng Minh Thiết, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Sức Mạnh Cộng, phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: Hoàng Minh Thiết

Một lí do khác là siêu thị mới hoạt động nên nhiều người không biết. Thói quen mua hàng ở chợ cóc, cửa hàng tạp hóa của người dân không dễ thay đổi trong thời gian ngắn.

Tốc độ bán hàng quá chậm, cộng với chi phí lớn phát sinh hàng tháng khiến công ty lỗ triền miên. Siêu thị phải ngừng hoạt động chỉ sau một năm. Để giải quyết hàng tồn và duy trì doanh nghiệp, Thiết quyết định chuyển sang bán buôn và phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, anh tiếp tục đi học để tích lũy kiến thức.

Lần "sảy chân" thứ hai với sàn thương mại điện tử

Năm 2016, nhận thấy tiềm năng của mô hình tiếp thị liên kết, Thiết cùng một số cộng sự góp vốn để xây dựng sàn thương mại điện tử và phần mềm tích lũy tiêu dùng. Đây là giải pháp mà Thiết tin rằng sẽ phát huy hiệu quả trong bán hàng. 

Khi thử nghiệm bản beta của sàn thương mại điện tử vào năm 2018, Thiết và các cộng sự cảm thấy mừng vì sàn có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của hàng trăm nhà cung cấp.

Song bất cập nhanh chóng phát sinh. Nhu cầu bán hàng của từng doanh nghiệp rất khác nhau. Mỗi doanh nghiệp có vô số yêu cầu đặc biệt, buộc sàn phải liên tục nâng cấp, điều chỉnh phần mềm. Hàng loạt chi phí siêu lớn phát sinh do nhu cầu nâng cấp phần mềm, khiến nguồn vốn của công ty cạn kiệt.

Đội ngũ nhân sự của Sức Mạnh Cộng tỏ ra chán nản trước khó khăn bộn bề. Nhiều người thôi việc. Không kịp tuyển nhân sự chất lượng để thay thế, công ty buộc phải chứng kiến nhiều hoạt động gián đoạn. Kế hoạch "chạy" thử phần mềm không đạt tiến độ. Áp lực tài chính tăng dần sau mỗi ngày, bóp nghẹt tinh thần của ban lãnh đạo.

Khó khăn chồng chất khiến Thiết cảm thấy vô cùng hoang mang. Nếu anh dừng lại, công sức trong nhiều năm sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng nếu tiếp tục hành trình với thương mại điện tử, anh sẽ cần số vốn rất lớn để tiếp tục hoàn thiện phần mềm. Liệu anh có thể huy động vốn, và tìm ra giải pháp cho vấn đề nhân sự?

Nỗ lực thoát hiểm

Quyết định tiếp tục hành trình, Thiết gặp ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn để kêu gọi họ đầu tư. May mắn thay, một số chủ doanh nghiệp đồng ý góp vốn, giúp công ty có đủ số vốn cần thiết để tiếp tục hoạt động. Công ty cũng thường xuyên tiếp cận các chuyên gia hàng đầu để tối ưu hóa mô hình của doanh nghiệp, đồng thời nhờ họ hỗ trợ hoạt động tuyển dụng và đào tạo nhân sự.

Do nhu cầu đa dạng và luôn biến động của doanh nghiệp, Thiết cũng trực tiếp đào tạo nhân sự. Anh hợp tác với các doanh nghiệp phần mềm để liên tục tối ưu hệ thống, bảo đảm việc đáp ứng nhu cầu của mọi nhà cung cấp.

Tính năng tích lũy, hoàn tiền của sàn thương mại điện tử Expressplus. Video: Sức Mạnh Cộng

Với mong muốn tạo đột phá, Sức Mạnh Cộng triển khai một số chương trình ưu đãi. Kết quả tương đối khả quan. Ngay trong quá trình thử nghiệm, sàn đã có thêm hơn 400 gian hàng mới và khoảng 9.000 người tiêu dùng.

Nhận thấy triển vọng lớn, Thiết chính thức đưa sàn thương mại điện tử ExpressPlus ra thị trường vào tháng 9 năm ngoái. Trong vòng 3 tháng sau khi khai trương, hơn 500 gian hàng đã xuất hiện trên sàn với hai hình thức là trả phí và miễn phí. Với những gian hàng trả phí, ExpressPlus tặng gói hỗ trợ tư vấn, đào tạo marketing, giải pháp bán hàng.

Phần lớn gian hàng trên sàn tập trung tại 3 tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là chinh phục các thị trường Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắc Lắc trước khi phủ sóng toàn quốc. Công ty cũng lên kế hoạch triển khai ExpressPlus trên các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành iOS và Android.

"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong 10 sàn thương mại điện tử có số lượng khách hàng trung thành lớn nhất ở Việt Nam vào năm 2022", Thiết thổ lộ.

Nhạc Phong

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.