|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại gạo toàn cầu

19:30 | 27/06/2019
Chia sẻ
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu gạo Trung Quốc, dự kiến tương đương khối lượng nhập khẩu gạo trong năm 2020, đang làm thay đổi động lực thương mại của thị trường gạo toàn cầu.
Untitled

Khối lượng xuất - nhập khẩu gạo của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Chỉ 10 năm trước, Trung Quốc đóng một vai trò rất nhỏ trong hoạt động thương mại gạo, phần lớn là tự cung tự cấp, theo USDA.

Tuy nhiên, trợ cấp trong nước của chính phủ cho người trồng gạo, với giá thu mua lúa, gạo tối thiểu tăng đều đặn, đã làm tăng giá gạo xay xát cho người tiêu dùng. Và với giá gạo xuất khẩu toàn cầu giảm dần trong năm 2011, Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên là người mua lớn và trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu kể từ năm 2011.

Các nhà cung cấp chính cho thị trường Trung Quốc gồm Việt Nam và Myanmar, trong khi Thái Lan và Campuchia cũng đóng vai trò quan trọng. 

Tuy nhiên, những thay đổi gần đây của Bắc Kinh về định nghĩa thuế quan ảnh hưởng tới gạo nếp và những nỗ lực để hình thức hóa thương mại, cũng như xây dựng hạn ngạch với Campuchia và Myanmar đã làm thay đổi về đối thác thương mại.

Diễn biến khác gần đây là các vụ đấu giá dự trữ gạo quốc gia của Trung Quốc. Với giá thu mua gạo tối thiểu tăng, hoạt động thu mua của chính phủ và khối lượng dự trữ tạm thời cũng đồng loạt gia tăng. 

Dự trữ gạo đã lên mức cao kỉ lục, và các vụ đấu giá kho dự trữ đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây. Theo USDA, hơn 7 triệu tấn gạo đã được bán từ kho dự trữ của chính phủ Trung Quốc trong 2 năm qua, với chỉ riêng doanh số bán tháng 5/2019 đạt 1,5 triệu tấn. 

pixta_12409505_M

Ảnh: kurand.jp

Mặc dù giá thu mua gạo tối thiểu vẫn duy trì ở mức tương đối cao, trong các phiên đấu giá lượng gạo giá thấp đã nhiều hơn để phục vụ cho người tiêu dùng. 

Kể từ năm 2017, xuất khẩu gạo giá thấp của Trung Quốc đã tăng vọt. Ban đầu, giá gạo hạt trung bình xuất khẩu giảm đã góp phần giúp gạo Trung Quốc trở nên cạnh tranh tại thị trường Tây Phi và Địa Trung Hải, trong khi sự sụt giảm của giá gạo hạt dài tiếp tục giúp xuất khẩu tiếp cận châu Phi và các khu vực khác. 

Sự nổi lên của Trung quốc trên thị trường gạo hạt trung bình rất đúng thời điểm khi cả Australia và Ai Cập chuyển đổi từ nhà xuất khẩu ròng sang nhập khẩu ròng, mở đường cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống hai quốc gia để lại. 

Thực tế, Ai Cập đã rất nóng lòng đấu giá gạo Trung Quốc. Trong khi, một lượng lớn các nhà xuất khẩu châu Phi đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giải quyết số gạo hạt dài của mùa vụ cũ, khi dự trữ gạo quốc gia của Thái Lan cạn kiệt. 

Sự thay đổi lớn này đã khiến các nhà cung cấp của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa sang các thị trường khác, chỉ để nhận thấy sự cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc trên thị trường thế giới. 

Châu Á và châu Phi là hai thị trường chịu tác động chính, nhưng "dư chấn" từ sự chuyển đổi của Trung Quốc còn có thể được cảm nhận tại Mỹ, nơi hàng loạt chuyến tàu chở gạo hạt trung bình giá rẻ cập cảng tại Puerto Rico. 

 Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục không suy yếu, với tháng 4/2019 ghi nhận khối lượng xuất khẩu cao nhất hàng tháng kể từ năm 2000. 

Trong năm 2020, Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ xuất khẩu thấp hơn một chút so với mức kỉ lục xác lập năm 1998 để trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, vượt qua Mỹ.

Lyly Cao