Anh bất ngờ đi trước Mỹ một bước trong quan hệ với Ấn Độ, tại sao?
Lời hứa bất ngờ của Anh
Tuần trước, trong chuyến thăm người đồng cấp Narendra Modi ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết sẽ chuyển giao công nghệ hiện đại nhằm giúp Ấn Độ có thể sản xuất máy bay chiến đấu ngay trên mảnh đất quê hương.
Thông tin chi tiết về dự án chưa được công bố, nhưng ấn bản quốc phòng Defense News của Mỹ cho biết lời đề nghị của ông Johnson có thể liên quan đến Hệ thống Phòng không Chiến đấu Tương lai Tempest thế hệ thứ 6 của Anh.
Thủ tướng Anh cũng thông báo sẽ cấp giấy phép xuất khẩu chung cho Ấn Độ để giúp đất nước Nam Á tăng tốc độ mua sắm quốc phòng. Đây là lần đầu tiên London trao giấy phép này cho một quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Chia sẻ với CNBC, giáo sư thỉnh giảng C. Raja Mohan tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Giấy phép xuất khẩu quốc phòng của London sẽ tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận của Ấn Độ tới kho vũ khí và các công nghệ liên quan của Anh”.
Ngoài ra, Thủ tướng Boris Johnson còn nhấn mạnh mối quan tâm của phương Tây đối với Ấn Độ, trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một “trung tâm địa chính trị của thế giới”.
Quả thực, Ấn Độ hiện là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các quốc gia phương Tây - một nỗ lực nhằm kiềm chế sự mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ cũng là một trong các thành viên của Bộ tứ kim cương, bên cạnh Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Anh còn thông báo rằng một thỏa thuận thương mại giữa New Delhi và London sẽ sẵn sàng vào tháng 10 năm nay. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 1 nhưng thỏa thuận sơ bộ mà đáng lẽ ông Johnson sẽ đặt bút ký trong chuyến đi đã không thành hiện thực.
Anh đi trước một bước
Bằng lời ngỏ với Ấn Độ, London đã đi trước Washington một bước, CNBC nhận xét.
Khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ cùng Ấn Độ gặp mặt tại Washington hồi đầu tháng 4, không ai thảo luận về việc chuyển giao công nghệ vũ khí.
Hai bên chỉ hứa hẹn tạo một “khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác” trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và chất bán dẫn.
Ông Bruce Bennett, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách RAND Corporation, cho biết Mỹ chỉ mới dần ngộ ra việc Nga và Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế cho các mục đích chính trị.
“Nga và Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới các quốc gia lệ thuộc mình trong nhiều thập kỷ qua. Muốn xoay chuyển tình thế cũng không thể trong vài tháng hay vài năm ngắn ngủi”, ông Bennett nói tiếp.
Mặc dù Ấn Độ không thể ngay lập tức từ bỏ mối quan hệ với Nga, động thái của Anh sẽ mở đường cho việc hợp tác chiến lược giữa đất nước Nam Á và phương Tây phát triển nhanh hơn, giáo sư Mohan lập luận.
“Tương tự Mỹ, Anh cũng muốn Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga và kéo New Delhi đến gần phương Tây hơn”, ông Mohan nhấn mạnh.
Nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh
Ít nhất là trong một thập kỷ qua, Ấn Độ - nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung và chuyển sang mua thêm vũ khí từ Pháp, Mỹ và Israel. Tuy nhiên, thay thế Nga sẽ là một nhiệm vụ khó nhằn.
Nga chiếm hơn 60% tổng lượng vũ khí của Ấn Độ, điều này đòi hỏi Ấn Độ phải liên tục nhập khẩu thêm phụ tùng thay thế cho các vũ khí đã mua trước đó.
Theo viện nghiên cứu SIPRI, trong giai đoạn 2017 - 2021, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 46% lượng vũ khí từ Nga. Xếp sau là Pháp với 27% và Mỹ với 12%.
Nhập khẩu từ Israel đứng ở vị trí thứ 4. SIPRI thông tin thêm rằng Ấn Độ chiếm khoảng 37% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Israel trong cùng giai đoạn trên.
Là một quốc gia phụ thuộc nặng nề vào vũ khí của Nga, Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa lên án cuộc tấn công vô cớ và bất hợp pháp của Moscow vào nước láng giềng Ukraine. Đồng thời, nước này cũng không áp đặt trừng phạt đối với Nga.
Trên thực tế, Ấn Độ lại tăng cường mua dầu thô và than đá của Nga, bất chấp các lệnh cấm vận và thái độ phản đối của quốc tế với Moscow.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/