|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng đường Ấn Độ tăng cao trong 8 năm qua

14:29 | 03/04/2019
Chia sẻ
Năm 2018, xuất khẩu đường của Ấn Độ đạt 464 nghìn tấn, nhỏ hơn rất nhiều so với con số 45 triệu tấn sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới vẫn lo ngại về tình hình thặng dư đường tại quốc gia này.

Ấn Độ xử lí thặng dư đường như thế nào?

Đầu tháng 3/2019, Australia và Brazil đã phản đối chính sách trợ cấp ngành đường Ấn Độ tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng hầu hết các khoản trợ cấp đã vi phạm các quy tắc của WTO, ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trong nước.

Năm 2018, xuất khẩu đường của Ấn Độ đạt 464 nghìn tấn, nhỏ hơn rất nhiều so với con số 45 triệu tấn sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới vẫn lo ngại về tình hình thặng dư đường tại quốc gia này.

Niên vụ 2010 - 2011, thặng dư đường hiếm khi duy trì ở mức cao tại Ấn Độ. Thông thường, sau một năm sản xuất đường thành công (thặng dư lớn) chắc chắn sẽ là một hoặc hai năm sản lượng kém. Nhưng trong tám năm qua, điều đó đã không xảy ra và sản lượng đường vẫn cao. Niên vụ 2018 - 2019, ngành công nghiệp đường Ấn Độ dự kiến sẽ kết thúc mùa vụ với lượng thặng dư chiếm tới 48% lượng tiêu thụ hàng năm của đất nước.

Để trợ giúp những người nông dân trồng mía, tại một cuộc bỏ phiếu ở bang Maharashtra và Uttar Pradesh, chính phủ Ấn Độ đã liên tiếp công bố giá mía tăng cao. Trong những năm qua, điều này dẫn đến sự mất cân đối lớn giữa giá mía và các loại cây trồng khác.

Hiện nay, cây mía mang lại lợi nhuận cao hơn 60% so với bất kỳ loại cây trồng cạnh tranh nào khác.

Sản lượng đường Ấn Độ tăng cao trong 8 năm qua - Ảnh 1.

Cây mía mang lại lợi nhuận cao. Nguồn: Thehindubusinessline

Để tránh thặng dư đường, chính phủ Ấn Độ thường xuyên khuyến khích các nhà máy xuất khẩu. Nhờ giá mía cao (nhà máy Ấn Độ trả 2.890 rupee/tấn mía trong khi mức giá là 1.732 rupee/tấn tại Brazil, 1.739 rupee/tấn tại Australia và 1.842 rupee/tấn tại Thái Lan) và quy mô kinh tế nhỏ, chi phí sản xuất ở Ấn Độ còn cao hơn so với giá đường quốc tế.

Trong niên vụ 2017 - 2018, chi phí sản xuất là 3.580 rupee/tạ đường trong khi giá quốc tế trung bình chỉ đạt 2.080 rupee. Để tăng cường xuất khẩu, chính phủ Ấn Độ cần cung cấp thêm các khoản trợ cấp trong khi các nhà máy vẫn xuất khẩu ở mức thấp khiến giá cổ phiếu sụt giảm.

Ấn Độ mở rộng sản xuất ethanol

Ấn Độ nhập khẩu 82% dầu thô theo nhu cầu và vì lý do an ninh năng lượng, nước này bắt buộc phải giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Vào thời điểm giá dầu thô tăng cao, nền kinh tế Ấn Độ chịu sức ép khi đồng rupee biến động mạnh và lạm phát tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt khiến tăng trưởng chậm chạp.

Brazil đã chỉ ra rằng pha trộn ethanol với xăng dầu là một cách tốt để giảm sự phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu, đồng thời giúp quản lí việc thặng dư đường.

Thông thường, ethanol được sản xuất từ mật rỉ, là sản phẩm phụ của đường, cũng có thể được sản xuất trực tiếp từ mía. Điều này sẽ làm thu hẹp sản xuất đường và giúp điều chỉnh lượng thặng dư.

Ấn Độ hiện có 114 nhà máy đang mở rộng sản xuất ethanol, trong 24 tháng tới sẽ tăng thêm 90 lít ethanol. Trong niên vụ 2018 - 2019, Brazil đã chuyển đổi trực tiếp 65% lượng mía thành ethanol. Điều này giúp Brazil duy trì sản xuất đường đáp ứng đủ nhu cầu và cũng giảm đáng kể hóa đơn nhập khẩu dầu tại thời điểm giá dầu thô tăng mạnh. Tuy nhiên, khi giá dầu thô toàn cầu giảm, các công ty có thể không sẵn sàng mua ethanol với giá cao hơn.

Giá mía liên tục tăng

Cách lý tưởng để quản lý thặng dư đường là liên kết giá mía với giá sản phẩm. Hiện nay, giá mía liên tiếp tăng bất chấp sự biến động của giá đường.

Chính phủ Ấn Độ nên đưa ra một công thức chung về giá mía sau khi tính toán cả giá trị sản lượng (gồm giá đường, ethanol và năng lượng được tạo ra từ bã mía). Bằng cách đó, cân bằng cung - cầu sẽ được thiết lập lại.

Nếu giá đường và ethanol tăng, nhu cầu sẽ thúc đẩy giá mía tăng cao hơn, nông dân sẽ trồng nhiều mía hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngược lại, giá mía có khả năng giảm xuống nếu tình trạng thặng dư trên thị trường tiếp diễn và nông dân sẽ chuyển sang cây trồng khác để khôi phục lại sự cân bằng.

Ngọc Ánh