Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan có tỷ lệ tăng lương cao nhất châu Á
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2018 | |
Lương tối thiểu: Nên giữ hay bỏ? |
Theo một khảo sát thường niên của công ty nhân lực Korn Ferry (Mỹ), mức lương thực tế có bù trừ lạm phát dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm nay tại các quốc gia châu Á, cao hơn mức tăng trung bình toàn cầu ở 1,5%. Khoảng 20 triệu người lao động tại 25 nghìn doanh nghiệp đã tham gia cuộc khảo sát này.
Người đi đường tại trung tâm tài chính Phố Đông, Thượng Hải. Nguồn: Reuters. |
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lương năm nay vẫn thấp hơn con số 4,3% trong năm 2017 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực được dự báo sẽ hạ nhiệt so với năm ngoái cũng như lãi suất tăng và xuất khẩu chậm lại. Lạm phát cũng nổi lên như một yếu tố tiềm năng kéo giảm chi tiêu tiêu dùng trong thời gian tới.
Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan có tỷ lệ tăng lương cao nhất châu Á
Các quốc gia có tỷ lệ tăng lương cao nhất châu Á là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, trong khi Nhật Bản xếp cuối danh sách.
Tại Ấn Độ, mức lương thực tế năm nay dự kiến sẽ tăng 4,7%, cao nhất châu Á. Người lao động Việt Nam cũng sẽ hưởng tỷ lệ tăng lương tương tự khi chi tiêu cá nhân đang nổi lên như một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế bên cạnh xuất khẩu, dù vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nợ cá nhân gia tăng và bong bóng nhà đất, ngân hàng HSBC cho biết.
Thái Lan cũng là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ tăng lương cao nhất trong năm nay khi nước này tiếp tục hưởng lợi với vai trò trung tâm sản xuất của khu vực trước triển vọng khả quan của kinh tế thế giới.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tăng lương thực tế dự kiến sẽ đạt 4,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2017. Các chuyên gia kinh tế của Moody's Economy.com dự báo nước này sẽ duy trì chính sách tài chính chủ động trong năm 2018 nhằm giải quyết tình trạng thừa công suất tại các doanh nghiệp nhà nước và mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong khi vẫn kiểm soát các rủi ro tài chính.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ tăng lương thực tế dự kiến đạt 1,6%, giảm so với 2,1% trong năm trước. Các công ty dự kiến sẽ tăng lương ở mức 2% năm thứ 5 liên tiếp trong năm nay, theo lời kêu gọi tăng lương cho người lao động của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, áp lực từ lạm phát có khả năng dập tắt hy vọng về tốc độ tăng trưởng cao hơn của ông Abe.
Tỷ lệ tăng lương dự kiến trong năm 2018. Nguồn: Korn Ferry. |
Áp lực từ lạm phát gia tăng
Hãng Korn Ferry cho biết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang góp phần gia tăng áp lực lạm phát lên các quốc gia có tỷ lệ tăng lương cao tại Đông Nam Á và Trung Quốc, vô hiệu hóa tác dụng của các đợt tăng lương tối thiểu. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo lạm phát sẽ tăng trong năm nay.
Trong khi đó, Capital Economics (Anh) lạc quan hơn khi cho rằng “lạm phát sẽ tiếp tục được kiềm chế”. Ngoài ra, hãng tư vấn này dự báo giá dầu thô giảm, lãi suất tăng và xuất khẩu chựng lại sẽ khiến tăng trưởng kinh tế khu vực hạ nhiệt.
Tại các quốc gia phương Tây phát triển, tỷ lệ tăng lương sẽ không đủ bù đắp lạm phát tăng vọt. Hãng Korn Ferry dự báo tỷ lệ tăng lương tại Australia và Đức lần lượt đạt 0,4% và 0,8%, trong khi người lao động Anh sẽ bị giảm 0,5% lương.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có nhiều nhân tố đang khiến tỷ lệ tăng lương èo uột tại các nước phát triển. Người lao động ngày càng có ít quyền đàm phán lương bổng do xu hướng tự động hóa sản xuất và số lượng lao động bán thời gian không tham gia công đoàn ngày càng tăng. Ngoài ra, giới quản lý doanh nghiệp không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ tăng lương thấp.