Amazon không khoan nhượng 'đánh giá ảo', thương nhân Trung Quốc long đong
Khi Andy Zhang, một thương nhân đến từ tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc), bắt đầu bán vòi hoa sen trên Amazon.com vào đầu năm nay, ông đã cam kết sẽ tuân thủ toàn bộ quy định của gã khổng lồ thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, Zhang cho biết rất khó để tuân theo một quy định: gian hàng chỉ chứa các đánh giá thực tế. Zhang hiểu rủi ro khi không tuân thủ quy tắc của Amazon, nhưng anh tin đó là cách duy nhất để cửa hàng trực tuyến của mình phát triển ở thị trường nước ngoài.
"Trung bình, chỉ 1 trong 15 khách hàng để lại đánh giá. Một số cửa hàng trả tiền cho khách để nhận lại bình luận tích cực. Tôi cũng đang nghĩ đến việc nhờ vài người bạn viết đánh giá cho cửa hàng mình", Zhang chia sẻ với SCMP.
Gần đây, Amazon đang tăng cường trấn áp nạn đánh giá ảo, vấn đề vốn đã trở nên rất phổ biến trên các trang thương mại điện tử trên khắp thế giới. Theo đó, "chợ mạng" của tỷ phú Jeff Bezos sẽ tấn công vào các trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất trên nền tảng.
Điều đó đặt ra câu hỏi về tương lai của các thương nhân Trung Quốc trên Amazon, vì sàn thương mại này thời gian qua đã chặn khá nhiều nhà cung ứng tiếng tăm đến từ đất nước tỷ với cáo buộc "có hành vi đáng ngờ".
Kể từ đầu tháng 5 năm nay, danh mục sản phẩm của một số nhà buôn thiết bị điện tử thuộc hàng lớn nhất của Trung Quốc đã bốc hơi khỏi sàn thương mại Amazon.
"Gần đây, sau một cuộc điều tra kỹ càng, chúng tôi đã đình chỉ một số tài khoản bán hàng có tiếng vì nhận thấy họ đang vi phạm chính sách công khai của Amazon về việc cấm lạm dụng đánh giá", ông Dharmesh Mehta - Phó Chủ tịch cấp cao tại Amazon cho hay hồi tuần trước.
"Hành động của chúng tôi đã gây ra phản ứng mạnh, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng quy định của Amazon đối với mọi thương nhân đều giống nhau, bất luận quy mô hay vị trí của họ", ông Mehta tiếp tục.
Từ lâu, Amazon đã có "chính sách không khoan nhượng" đối với các hành vi vi phạm, bao gồm yêu cầu bạn bè viết đánh giá hoặc đổi chác để khuyến khích người khác đăng đánh giá tích cực, ông lớn thương mại điện tử Mỹ khẳng định.
Phát súng lớn từ Amazon
Mặc dù Amazon nổi tiếng là thường xuyên đình chỉ người bán vì đánh giá ảo cũng như các vi phạm khác, nhưng hành động cứng rắn lần này đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng Trung Quốc vì các thương nhân có liên quan trong vụ việc.
Ông Zack Franklin - chuyên gia tư vấn về thương mại điện tử ở thành phố Thâm Quyến, chia sẻ: "Amazon đóng cửa hàng nghìn cửa hàng mỗi ngày vì hành vi thao túng hệ thống đánh giá. Chiến dịch lần này là rất đáng chú ý vì các cửa hàng bị đóng cửa có quy mô lớn".
Chẳng hạn, nhà cung ứng thiết bị điện tử Aukey (trụ sở tại Thâm Quyến) là một trong các nhà bán bị ảnh hưởng trong cuộc trấn áp mới nhất của Amazon.
Theo ước tính của SCMP, hơn 75% doanh thu của Aukey trong quý I/2018 và quý I/2019 đến từ Amazon. Aukey đạt doanh thu 5,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 793 triệu USD) trong năm 2018, tăng so với con số 3,7 tỷ nhân dân tệ năm 2017.
Mpow, cửa hàng điện tử do ByteDance - chủ sở hữu TikTok điều hành và công ty sản phẩm tiêu dùng Patozon do Xiaomi hậu thuẫn cũng bị liên lụy. Trong nửa đầu năm 2020, Mpow ghi nhận doanh thu 2 tỷ nhân dân tệ từ hoạt động xuất khẩu, dựa theo báo cáo tài chính do chủ cũ Global Top E-commerce của Mpow công bố.
Cả Aukey và Mpow đều chưa từng bị cáo buộc gian lận.
Ông Franklin cho biết: "Amazon muốn phát một thông điệp mạnh mẽ đến người bán, đó chính là nguyên nhân lớn đằng sau việc Amazon đình chỉ các thương nhân có tiếng đến từ Trung Quốc".
Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, "các cửa hàng trực tuyến thường chi rất nhiều tiền và nguồn lực để làm đánh giá ảo", ông Franklin nói thêm.
Song, vị chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng không chỉ thương nhân Trung Quốc mới làm đánh giá ảo trên Amazon. "Đánh giá ảo là vấn đề mà nhà bán nào cũng dính dáng, vì chỉ 1 - 2% khách hàng viết nhận xét. Thế thì các cửa hàng này làm sao bì được với những sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường?"
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thương nhân Trung Quốc nhảy vào các nền tảng thương mại điện tử quốc tế lớn như eBay và Amazon để tiếp cận người tiêu dùng bên ngoài thị trường nội địa.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Marketplace Pulse, các nhà cung ứng Trung Quốc chiếm khoảng 75% tổng số nhà bán mới trên Amazon vào tháng 1 năm nay. Tỷ trọng của thương nhân Trung Quốc trên trang web của Amazon đã tăng từ 28% năm 2019 lên 63% trong năm nay.
"Một số nhãn hàng Trung Quốc lựa chọn thị trường nước ngoài vì sự cạnh tranh khốc liệt và đốt tiền trong nước", ông Ivan Platonov của công ty nghiên cứu đầu tư EqualOcean bình luận.
Tình huống đó đã tạo ra sự không ăn nhập về văn hóa, vì các thương nhân Trung Quốc thường tạo đánh giá ảo trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Taobao và JD, trong khi hành vi này trên Amazon là cấm kị, SCMP dẫn lời ông Franklin nhận định.