|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ai sẽ được tiêm những mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam?

12:15 | 18/02/2021
Chia sẻ
Theo dự kiến trước đó, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều vắc xin COVID-19 vào khoảng cuối tháng 2 để thực hiện tiêm mũi thứ nhất.

Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vắc xin COVID-19 của AstraZeneca với số lượng 204.000 liều. Dự kiến lô vắc xin này sẽ về đến Việt Nam vào ngày 28/2. 

Bên cạnh đó, khoảng 4,88 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX cũng dự kiến sẽ về tới Việt Nam cùng khoảng thời gian trên. Như vậy, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều vắc xin để tiêm mũi thứ nhất.

Theo VTV, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhận được viện trợ và dự kiến 5 triệu mũi vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm cho 5 triệu người, trong đó có những người ở tuyến đầu chống dịch.

PGS.TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ với VTV: "Về đối tượng được tiêm lô vắc xin đầu tiên, Ủy ban quốc gia phòng chống COVID sẽ có đề xuất ưu tiên cho đối tượng nào trước. Theo tôi, chi phí tiêm cho các đối tượng ưu tiên lấy từ ngân sách Nhà nước".

Ông cũng cho biết thêm đơn vị nhập khẩu và phân phối vắc xin ngừa COVID-19 có thể là một doanh nghiệp nhưng phải có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vì nhập với số lượng khá lớn. Ngoài ra, đơn vị này cần có kho đạt tiêu chuẩn mà nhà sản xuất yêu cầu, có năng lực phân phối cho Nhà nước, Bộ Y tế, tổ chức tiêm vắc xin hỗ trợ cho hệ thống của Nhà nước.

204.000 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên dự kiến về tới Việt Nam ngày 28/2, ai sẽ được dùng ? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Reuters).

Vắc xin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Vắc xin này có thuận lợi là yêu cầu về bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, tức là có thể bảo quản trong tủ lạnh, khác với nhiều loại vắc xin khác là cần phải bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C, điều khó có thể đảm bảo ở nhiều quốc gia khi thực hiện tiêm trên diện rộng.

Hiện vắc xin này đã được cấp phép lưu hành một năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương có dịch chiều ngày 15/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiện Việt Nam cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX facility.

Theo đó, cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vắc xin theo hai nguồn gồm từ chương trình COVAX  facility với 4,88 triệu liều và nguồn nhập khẩu. 

COVAX facility là một cơ chế được thiết lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả. Các quốc gia tham gia COVAX được tiếp cận vắc xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.

Như Ý