80% người Việt vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm online
Giảm thanh toán bằng tiền mặt: Mục tiêu khó nhưng có thể đạt được |
Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 vừa được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me công bố hôm 28/11, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người Việt khi mua sắm trực tuyến với 80% người được hỏi cho biết sử dụng hình thức thanh toán COD - trả tiền khi nhận hàng. Các hình thức như thẻ thanh toán, ví điện tử, chuyển khoản chỉ chiếm lần lượt 8%, 6% và 5%.
Khảo sát của Q&Me được tiến hành trên 1050 người trong độ tuổi từ 18 đến 39, sống tại Hà Nội và TP.HCM.
Cũng theo báo cáo của Q&Me, thời trang là mặt hàng được mua trực tuyến nhiều nhất. Cụ thể, 78% số người được hỏi cho biết đã từng mua hàng thời trang trực tuyến trong 12 tháng gần nhất và có 41% tiết lộ đây chính là mặt hàng họ thường xuyên mua nhất.
Xếp ngay sau thời trang là thiết bị công nghệ với 50% người tham gia khảo sát từng mua ít nhất 1 lần trong 1 năm qua và là sản phẩm được mua sắm với tần suất lớn nhất của 20% khách hàng. Hai chỉ số này của ngành hàng còn lại trong top 3 là mỹ phẩm lần lượt đạt 44% và 10%.
Về tần suất mua sắm, 17% người được hỏi chia sẻ mua sắm trực tuyến hàng tuần và nhóm 30-39 tuổi có tần suất mua hàng online cao nhất. Về thiết bị, các ứng dụng mua sắm trên smartphone được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất.
Trong khi nhiều chỉ số quan trọng của thương mại điện tử Việt Nam đều tăng trưởng theo hướng tích cực thì theo báo cáo của Q&Me, số người từng hủy đơn hàng mua sắm trực tuyến lại tăng từ 36% năm 2017 lên 54% trong năm nay. Các lý do phổ biến nhất khiến người mua hủy đơn hàng là thay đổi suy nghĩ; hàng hóa có vấn đề; thực tế khác với hình ảnh mô tả sản phẩm trên Internet.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố khiến người tiêu dùng không hài lòng nhất đối với thương mại điện tử. Đây cũng là mối quan ngại lớn nhất khiến khách hàng ngần ngại mua sắm online.
Nguồn: Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2018 của Q&Me. |
Cũng theo nghiên cứu, 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện tại là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Adayroi. Kết quả này hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu về số lượt truy cập website hàng tháng của các sàn trong báo cáo "Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam quý III" được Iprice công bố giữa tháng trước.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo là việc người Việt ngày càng mua sắm nhiều hơn qua mạng xã hội với tỷ lệ 70% năm 2018 so với 66% cùng kỳ năm trước. Nghiên cứu của Q&Me chỉ ra rằng mua sắm trên mạng xã hội đem lại nhiều niềm vui hơn trong khi các sàn thương mại điện tử cung cấp mức giá tốt và thời gian giao hàng nhanh hơn. Đặc biệt, người tiêu tùng vẫn tin tưởng cửa hàng bán lẻ truyền thống hơn các loại hình mua sắm khác khi xét đến chất lượng sản phẩm.
Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực và liên tục nhận được dòng vốn đầu tư lớn từ các quỹ ngoại trong thời gian gần đây. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 rơi vào khoảng 6,2 tỷ USD và tăng trưởng 25%. Một số dự báo khả quan cho thấy doanh thu thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam thậm chí có thể cán đích 10 tỷ USD vào năm 2020.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/