|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giảm thanh toán bằng tiền mặt: Mục tiêu khó nhưng có thể đạt được

21:42 | 29/10/2018
Chia sẻ
Việt Nam hướng tới một nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt vào năm 2020 bằng cách giảm các giao dịch tiền mặt và tăng thanh toán điện tử.
giam thanh toan bang tien mat muc tieu kho nhung co the dat duoc
Ví điện tử và ứng dụng thanh toán là một trong các nhân tố đóng góp tích cực vào quá trình đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Mục tiêu tham vọng

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất trên thế giới, với gần 90% tổng số giao dịch dân sinh thực hiện bằng tiền mặt. Nguyên nhân là mức độ thâm nhập của ngân hàng thấp, thiếu các máy ATM và hệ thống phi tiền mặt, trong khi việc thanh toán kỹ thuật số lại khá phức tạp và chưa nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 7 năm qua, số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đã tăng từ 16,8 triệu tài khoản trong năm 2010 lên 67,4 triệu vào năm 2017 (một người có thể có nhiều tài khoản, gồm cả tài khoản cá nhân và tổ chức). Trong số đó, chỉ 1/3 dân số mở tài khoản ngân hàng.

Bên cạnh đó, dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn thấp. Vì vậy, các ngân hàng thương mại và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cần cải thiện dịch vụ ở những thị trường chưa được khai thác này.

Thanh toán qua internet tăng trưởng 81%, điện thoại di động tăng gần 70%. Đáng chú ý, 2017 là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ rút tiền mặt giảm so với năm trước, từ mức 15% xuống còn 10%.

Đáng chú ý, theo một nghiên cứu, chỉ 63% dân số trên 35 tuổi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, trong khi 38% người dưới 24 tuổi không có tài khoản ngân hàng điện tử (e-banking). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vấn đề bảo mật, khi hơn 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện giao dịch trên mạng.

Với chỉ 1/3 trong số 92 triệu dân có tài khoản ngân hàng, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng tại lĩnh vực này.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, các nhà băng, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử có thể tận dụng cơ hội để ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm – dịch vụ, tạo bước nhảy vọt tại thị trường thanh toán điện tử và đuổi kịp các nền kinh tế phát triển.

Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Capgemini và BNP Paribas (Pháp), chỉ 2% tổng giá trị giao dịch tại Thụy Điển được thực hiện bằng tiền mặt, con số này dự kiến tiếp tục giảm còn chưa đầy 0,5% vào năm 2020.

Chính phủ Singapore hồi tháng 6/2018 công bố kế hoạch Digital Readiness Blueprint, đặt mục tiêu đến năm 2023, công dân nước này có thể thực hiện 90 - 95% giao dịch thông qua các website của Chính phủ...

Nếu đem những con số trên ra so sánh với thực trạng Việt Nam quả thực có phần không phù hợp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để dần đạt được mục tiêu nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, dù đối diện nhiều thách thức.

Theo đó, Chính phủ đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm các giao dịch tiền mặt trong nước xuống dưới 10% tổng số giao dịch thị trường (cả cá nhân và tổ chức) vào năm 2020.

Cụ thể, ít nhất 70% các nhà cung cấp nước, điện tử và dịch vụ viễn thông sẽ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt từ các cá nhân và hộ gia đình. Ngoài ra, mục tiêu là ít nhất 50% tổng số hộ gia đình ở thành phố sử dụng thanh toán điện tử cho giao dịch hàng ngày vào năm 2020.

Cùng với thanh toán điện tử, Chính phủ cũng tập trung đẩy mạnh việc sử dụng thẻ tín dụng bằng cách đảm bảo rằng tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm và nhà phân phối đều chấp nhận loại thẻ này.

Đề xuất cũng bao gồm phát triển phương thức thanh toán mới cho khu vực nông thôn để tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ. Đến năm 2020, Chính phủ đang nhắm tới mục tiêu có ít nhất 70% công dân trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng.

Các hệ thống trợ cấp Chính phủ và phúc lợi xã hội cũng đang được phát triển để đảm bảo thanh toán bằng phương pháp điện tử. Đến năm 2020, mục tiêu là đạt 200 triệu giao dịch/năm và có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt trên cả nước.

Những bước tiến đáng ghi nhận

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - tài chính, để giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt, Chính phủ cần khuyến khích các hệ thống phi tiền mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn, đồng thời giảm tính phức tạp của sản phẩm để người dùng dễ dàng chấp nhận.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của phương pháp thanh toán số. Trong nỗ lực đó có vai trò quan trọng và đầu tàu của NHNN.

Theo số liệu từ NHNN, thống kê trên các hệ thống thanh toán lớn cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch tại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30%.

Thanh toán qua internet tăng trưởng 81%, điện thoại di động tăng gần 70%. Đáng chú ý, 2017 là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng giảm so với năm trước, từ mức 15% xuống còn 10%. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả.

Tính đến hết quý II/2018, toàn quốc có trên 18.280 ATM và trên 289.070 POS đang hoạt động (tăng tương ứng 4,2% và 7,5% so với cuối năm 2017). POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.

Các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh, đa dạng, nhất là các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.

Đồng thời, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo ban hành tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam” để làm cơ sở cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai theo một chuẩn kỹ thuật chung.

giam thanh toan bang tien mat muc tieu kho nhung co the dat duoc

NHNN cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp...

Ngoài ra, nhờ sự ra đời của nhiều dòng điện thoại thông minh giá rẻ, chi phí dịch vụ thấp, internet và điện thoại thông minh sẽ tiếp tục đóng vai trò cung cấp các phương tiện cần thiết cho dịch vụ thanh toán số.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, Việt Nam có tiềm năng lớn về ngân hàng số khi ngày càng có nhiều khách hàng chuyển sang dùng công nghệ để tiến hành các giao dịch ngân hàng.

Thêm vào đó, ví điện tử và ứng dụng thanh toán cũng chính là một trong các nhân tố đóng góp tích cực vào quá trình đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.

Ví điện tử cung cấp các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến và chuyển tiền đang nhanh chóng nổi lên như giải pháp thay thế cho các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Độ phủ sóng của ví điện tử hiện đã tăng hơn 50%. Hiện tại, có trên 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này từ hơn 10 nhà cung cấp khác nhau.

Trong bối cảnh này, để đẩy mạnh phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN chính thức công nhận ví điện tử là một dịch vụ thanh toán giống như các dịch vụ thanh toán và thu tiền khác.

Chính phủ cũng cấp giấy phép cho nhiều công ty dịch vụ thanh toán như 1Pay và WePay, nhằm đảm bảo mức tuân thủ và bảo mật.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đang tăng cường hợp tác với các công ty FinTech cung cấp công nghệ ví điện tử để tiếp tục các dịch vụ và gia tăng giá trị. Chẳng hạn, Vietcombank, Viet Capital Bank đã liên kết với ứng dụng Payoo trong nhiều dịch vụ.

Không chỉ các ngân hàng thương mại, mà cả quỹ đầu tư nước ngoài và công ty công nghệ cũng tăng cường đầu tư vào các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử.

MoMo, một dịch vụ của M-Service, hoạt động đồng thời như một ví điện tử và một ứng dụng thanh toán vừa thu được khoản tiền 28 triệu USD từ quỹ PE của Standard Chartered và ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.

Trong khi đó, VNPTPay và Payoo đã nhận được khoản đầu tư từ quỹ đầu tư UTC của Hàn Quốc và NTT Data. Theo lãnh đạo Payoo, để tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với các hệ thống trực tuyến, Việt Nam nên khuyến khích các giao dịch không bằng tiền mặt, đơn giản hóa các quy định thanh toán số và đảm bảo một hệ thống giải quyết khiếu nại thích hợp. Nếu những phương pháp này thuận tiện và bảo mật hơn, khách hàng sẽ chuyển từ tiền mặt sang thanh toán số.

Với những thay đổi về quy định hỗ trợ, việc triển khai các công nghệ mới, gia tăng mức độ thâm nhập thị trường của ngân hàng, sự gia nhập của các công ty FinTech và mức độ phủ sóng internet, theo các chuyên gia, mục tiêu 90% giao dịch không dùng tiền mặt vào năm 2020 tuy khó, nhưng có thể đạt được.

Thảo Nguyên