|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

8 nhà kinh tế ít người biết đến nắm quyền xác định khi nào Mỹ suy thoái

20:41 | 05/07/2022
Chia sẻ
Không phải chuyên gia phố Wall hay tỷ phú đầu tư, 8 nhà kinh tế bí ẩn này mới là người có quyền lực thật sự để xác định khi nào Mỹ rơi vào suy thoái.

Theo CNN, các nhà kinh tế học nổi tiếng của phố Wall như Mark Zandi, huyền thoại đầu tư Cathie Wood của ARK Invest hay Tổng Giám đốc Jamie Dimon của JP Morgan Chase liên tục đưa ra các dự đoán về suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên trang nhất này cũng chỉ là “dự đoán”. Tại Mỹ, nền kinh tế sẽ không được coi là suy thoái một cách tổng thể và chính thức cho tới khi một nhóm 8 nhà kinh tế học lên tiếng. 

Bên trong tòa nhà không chút nổi bật này là trụ sở của cơ quan duy nhất có khả năng xác định nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không. (Ảnh: Astrophobe).

Những nhà kinh tế này làm việc trong Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh doanh (Business Cycle Dating Committee), thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận tư nhân của Mỹ.

8 nhà kinh tế này không có lịch họp cố định và các cuộc thảo luận của họ đều không được công bố. Chiếc ghế trong Ủy ban cũng không có nhiệm kỳ và quyết định về 8 vị trí này được đưa ra bởi một người duy nhất: Chủ tịch NBER, nhà kinh tế học James Poterba của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Tất cả thành viên của NBER đều là chuyên gia về kinh tế vĩ mô và nghiên cứu chu kỳ kinh doanh. Mọi người đều trên 60 tuổi và xuất phát từ các trường học danh tiếng. Hai trong số 8 thành viên của Ủy ban là nữ, một trong số đó có chồng là đồng nghiệp.

NBER cho biết các thành viên hiện tại của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh doanh là ông Robert Hall của Đại học Stanford; ông Robert J. Gordon của Đại học Northwestern; ông James Poterba của MIT; bà Valerie Ramey của Đại học California, San Diego; bà Christina Romer của Đại học California; ông David Romer của Đại học California; ông James Stock của Đại học Harvard; và ông Mark W. Watson của Đại học Princeton.

Kết luận của NBER được chấp nhận và sử dụng bởi chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà báo.

Không có định nghĩa rõ ràng về suy thoái

Tỷ lệ thất nghiệp cao thường đi kèm với suy thoái kinh tế. (Ảnh: NBER, Việt hóa: Minh Quang)

Suy thoái thường được xác định bằng hai quý liên tiếp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tại Mỹ không hề có định nghĩa chính thức về việc xác định suy thoái.

Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh doanh tuân thủ một định nghĩa tương đối mơ hồ, theo đó, suy thoái "liên quan đến sự suy giảm đáng kể trong hoạt động trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng."

Ủy ban cũng tốn nhiều thời gian để xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của suy thoái, đảm bảo xem xét dữ liệu trên trên quy mô lớn nên kết luận về lạm phát của NBER luôn có độ trễ.

Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm, nền kinh tế suy giảm trong quý đầu tiên, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ 1970 và tâm lý người tiêu dùng giảm mạnh. Tuy nhiên, NBER chưa hề đưa ra bất cứ thông tin nào về buổi họp tiếp theo cũng như những gì mà Ủy ban sẽ quyết định.

 

Nhóm 8 nhà kinh tế cho biết sẽ xem xét rộng rãi các chỉ báo kinh tế: thu nhập cá nhân thực tế trừ tiền lương hưu và các khoản trợ cấp, việc làm phi nông nghiệp, chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực tế, doanh số bán lẻ bán buôn được điều chỉnh theo sự thay đổi giá cả, việc làm được đo bằng khảo sát hộ gia đình và sản lượng công nghiệp.

Tuy nhiên, giống như cách định nghĩa về suy thoái, Ủy ban cũng không có quy tắc cố định nào về các chỉ báo kinh tế được sử dụng hoặc trọng số của chúng để đưa ra quyết định.

Một điểm đáng chú ý là 8 nhà kinh tế này xem xét số liệu hàng tháng chứ không chỉ số liệu hàng quý như tốc độ tăng trưởng GDP. Ví dụ như cuộc suy thoái do COVID gây ra vào đầu năm 2020 được cho là kéo dài trong hai tháng 3 và 4 vì "ủy ban kết luận rằng sự sụt giảm hoạt động đã quá lớn và lan tỏa rộng rãi trong toàn bộ nền kinh tế, đến nỗi, ngay cả khi diễn ra trong thời gian khá ngắn, biến cố này nên được xếp vào nhóm suy thoái".

 

Không xét đến những người yếu thế

Ông Richard Wolff, Giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Massachusetts, cho biết: “Việc xác định liệu Mỹ có đang trong thời kỳ suy thoái hay không mang nhiều ý nghĩa về mặt hình thức”. “Các nhà hoạch định chính sách Mỹ rất coi trọng các tuyên bố về suy thoái của NBER”, ông nói.

Nhưng Giáo sư Wolff phát hiện ra rằng ngay cả các nhà kinh tế học chuyên nghiệp cũng không biết việc đâu mới là quy tắc để xác định suy thoái. 

Trong những năm gần đây, các nhà phê bình cho rằng kết luận về suy thoái và phát triển kinh tế của NBER không xét đến tình trạng của những người Mỹ yếu thế.

NBER tuyên bố cuộc suy thoái cuối cùng đã kết thúc vào tháng 4/2020. Nhưng Bộ Lao động Mỹ mô tả giai đoạn sau suy thoái COVID là: tăng trưởng mạnh đối với những người giàu có và trì trệ đối với những người ít khá giả hơn.

“Phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy rằng những người thu nhập thấp đã phải chịu gánh nặng từ cuộc suy thoái do đại dịch gây ra”, Bộ cho biết.

Bộ Lao động Mỹ nhận thấy rằng tỷ lệ có việc làm của nhóm người thu nhập hơn 60.000 USD đã trở lại mức trước đại dịch vào tháng 8/2020. Trong cùng giai đoạn đó, tỷ lệ có việc làm của những người thu nhập thấp vẫn giảm khoảng 40%.

Bộ này kết luận rằng những người lao động có mức lương thấp có thể sẽ cảm thấy tác động của việc giảm thu nhập trong dài hạn, tiết kiệm yếu và gia tăng bất bình đẳng trong nhiều năm tới.

Minh Quang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.