|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau số liệu lạm phát cao, S&P 500 khép lại nửa đầu năm tệ hại nhất kể từ 1970

07:13 | 01/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên cuối tháng 6 sau khi thước đo lạm phát ưa thích của Fed tiếp tục ở quanh mức cao nhất 4 thập kỷ. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 và Nasdaq đã mất lần lượt khoảng 20% và 30%.

S&P 500 và Nasdaq giảm khoảng 20% và 30% trong 6 tháng đầu năm 2022, đều đang ở trong thị trường gấu. Dow Jones giảm ít hơn và đang ở trong vùng điều chỉnh.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 254 điểm, tương đương 0,82%, và đóng cửa ở 30.775 điểm. S&P 500 giảm 0,88% và kết phiên cuối tháng 6 ở 3.785 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sa sút mạnh nhất khi mất 1,33% và dừng ở gần 11.029 điểm.

Dow Jones và S&P 500 vừa trải qua quý giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 khi COVID-19 tràn vào nước Mỹ khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo.

Nasdaq lao dốc 22,4% trong quý vừa qua, đánh dấu quý thê thảm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ số nặng về công nghệ này giảm sút trong 5/6 tháng đầu năm.

Các cổ phiếu Big Tech đều mất giá nặng nề trong nửa đầu năm 2022. Netflix cắm đầu 71%, Apple và Alphabet mất lần lượt 23% và 24,8%, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) cũng sụt tới 52%. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Nasdaq chỉ tăng duy nhất trong tháng 3.

S&P 500 sụt 20,6% trong 6 tháng qua, rơi vào thị trường gấu và ghi nhận nửa đầu năm tệ hại nhất kể từ 1970. Các nhân tố tiêu cực tác động tới thị trường bao gồm lạm phát cao nhất 4 thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất, xung đột quân sự Nga – Ukraine và chính sách phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc.

Bà Stephanie Lang, Giám đống đầu tư tại Homrich Berg, trả lời phỏng vấn CNBC: “Chúng ta vừa trải qua một đại dịch chưa từng có xưa nay, toàn bộ nền kinh tế phải đóng cửa. Rồi chúng ta còn có cả những phản ứng chưa từng có tiền lệ, cả về tài khóa lẫn tiền tệ. Tất cả đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo bao gồm nhu cầu tăng mạnh và chuỗi cung ứng đứt gãy. Giờ đây lạm phát lên cao nhất nhiều thập kỷ và Fed hoàn toàn bất ngờ”.

“Thị trường bị buộc phải điều chỉnh theo thực tế mới là Fed đang cố gắng chạy theo lạm phát và làm cho tăng trưởng chậm lại”, bà Lang nói thêm.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 30/6 đi xuống sau khi Bộ Thương mại cho biết chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) tháng 5 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Core PCE là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Fed.

Tuy con số tháng 5 giảm 0,2 điểm % so với tháng trước nhưng vẫn đang ở vùng cao nhất kể từ thập niên 1980. Từ đầu năm đến nay, Fed đã phải nâng lãi suất ba lần vào tháng 3, 5 và 6 để cố gắng kiềm chế lạm phát. Dự kiến ngân hàng trung ương Mỹ sẽ còn phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ để làm chậm đà tăng của giá cả. 

Lạm phát tính theo core PCE lên mức 5,3% vào tháng 2/2022, sau đó giảm dần còn 4,7% trong tháng 5.

Trong phiên 30/6, cổ phiếu y tế Universal Health Services mất 6,1% sau khi công bố dự báo doanh thu và lợi nhuận quý II thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích vì ít bệnh nhân.

Cũng trong ngành y tế, Walgreens Boots Alliance giảm 7,2%, tiêu cực nhất trong 30 cổ phiếu thành viên của chỉ số Dow Jones, sau khi công ty này lặp lại dự báo tăng trưởng EPS trong năm nay sẽ chỉ ở mức thấp dưới 10%. Các cổ phiếu cùng ngành như HCA Healthcare, Abiomed và Viatris đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Y tế là một trong số 8 nhóm ngành thuộc S&P 500 sa sút trong phiên cuối tháng 6. Thống kê bên dưới cho thấy năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất, giữa bối cảnh giá dầu thô đi xuống.

8/11 nhóm cổ phiếu giảm sút trong phiên cuối quý II, năng lượng là nhóm tiêu cực nhất.

Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ phát biểu trong những ngày gần đây như Chủ tịch chi nhánh San Francisco, Cleveland và New York đều ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm 50 hoặc thậm chí 75 điểm cơ bản trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-27/7.

Nhiều nhà đầu tư và chuyên giá Phố Wall đang lo ngại rằng việc Fed nâng lãi suất quá mạnh tay để chống lạm phát có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Ông George Ball, Chủ tịch công ty dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris, nhận định: “Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn chưa chạm đáy và nguy cơ giảm điểm vẫn còn ở phía trước. Nhà đầu tư nên nắm giữ nhiều tiền mặt vào lúc này. Chúng tôi cho rằng S&P 500 sẽ xuống đáy ở 3.100 điểm khi các biện pháp chống lạm phát quyết liệt nhưng cần thiết của Fed khiến lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm và gây áp lực vào giá cổ phiếu”.

S&P 500 hiện ở mức 3.785 điểm. Theo dự đoán của ông George Ball, chỉ số này sẽ giảm thêm 18% nữa rồi mới đi lên.

Dow Jones giảm 13/21 phiên trong tháng 6/2022.

Bà Courtney Garcia, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Payne Capital Management, có quan điểm lạc quan hơn: “Thị trường phản ánh một cuộc suy thoái vào giá cổ phiếu trước khi cuộc suy thoái thực sự diễn ra, đó là điều mà nhà đầu tư cần tập trung chú ý. Thị trường đã giảm hơn 15% trong 6 tháng đầu năm, hiện tượng này đã xảy ra một số lần trong lịch sử và các chỉ số thường tăng rất mạnh trong nửa cuối năm, trung bình khoảng 24%.

Đức Quyền - Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.