|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

7 doanh nghiệp nhà nước được đề xuất làm 'sếu đầu đàn'

10:55 | 11/03/2021
Chia sẻ
Ba doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển logistics và một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng được đề xuất làm "sếu đầu đàn".
7 doanh nghiệp nhà nước được đề xuất làm 'sếu đầu đàn' - Ảnh 1.

Đồ họa: M.H

Theo thông tin từ Báo Chính phủ, chiều 10/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Để tham gia đề án, ngoài tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, các tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE lớn hơn 6%; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…

Ngoài ra, 5 tiêu chí nhằm xác định ngành, lĩnh vực để nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách phù hợp là: Có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.

Theo đề xuất ban đầu, có 7 doanh nghiệp được lựa chọn gồm:

- Ba doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone).

7 doanh nghiệp nhà nước được đề xuất làm 'sếu đầu đàn' - Ảnh 2.

Trụ sở điều hành của Viettel tại 285 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

- Hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

- Một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

- Một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu góp ý về vấn đề lĩnh vực hàng không hay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) có nên được nghiên cứu, xem xét đưa vào Đề án không? 

"Thậm chí, kể cả một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt nhưng cần thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt", Bộ trưởng nêu ý kiến.

Thông tin tại cuộc họp, hiện DNNN số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…

Bộ trưởng "nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm".

Ngoài ra, tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan tới DNNN cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu.

Một trong số đó là có nên phân công một cơ quan riêng để thực hiện quản lý nhà nước về DNNN? Thoái vốn Nhà nước đến đâu, thoái tiếp thế nào? Có phát triển tiếp các tập đoàn mới không? Nhà nước sẽ phát triển đường sắt trong giai đoạn tới với nguồn vốn hàng chục tỷ USD, có nên phát triển một doanh nghiệp lớn về đường sắt để làm chủ công nghệ không?...

Minh Hằng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.