|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhìn lại 4 năm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

07:48 | 02/12/2020
Chia sẻ
Lũy kế năm 2016 - 10/2020, có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.123 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỉ đồng.
Nhìn lại 4 năm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.

Những doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước. (Đồ họa: Đức Bùi).

Sau khi tiếp nhận các ý kiến đánh giá từ các Bộ, địa phương, doanh nghiệp về tình tình thực hiện Quyết định 58 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có báo cáo về kết quả sắp xếp.

Theo đó, lũy kế năm 2016 - 10/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.123 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong 174 DN đã CPH, chỉ có 36/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo quyết định số 26 về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 và công văn 991 về danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm, đạt 28% kế hoạch.

Trong đó, địa phương còn nhiều DN đang triển khai thực hiện là TP HCM với 36 DN, Hà Nội với 11 DN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có 4 DN,...

Xét theo tiêu chí phân loại DNNN, việc qui định đối tượng gồm cả DN cấp 1 và cấp 2 trong mô hình công ty mẹ - công ty con có nhiều khó khăn khi cả tổ hợp lúc thực hiện CPH, thoái vốn theo quyết định không bao quát hết các ngành, lĩnh vực của DN cấp 2.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG), việc sắp xếp các DN thành viên cấp 2 của công ty mẹ nên được giao cho Hội đồng thành viên công ty mẹ để đảm bảo tính chủ động và phù hợp với thực tiễn hoạt động của cả tổ hợp.

Một số ý kiến đóng góp của các địa phương đề nghị cân nhắc qui định nhà nước cần tiếp tục nắm giữ vốn tại các DN trong lĩnh vực công ích (môi trường đô thị, xử lí rác thải, cấp thoát nước, khai thác cảng biển,...) để giữ vai trò điều hành hoạt động của DN.

Tuy nhiên, ý kiến khác cũng cho rằng nên thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực công ích vì khu vực tư nhân có thể tham gia cung ứng tốt sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn.

Ngoài ra, một số đơn vị cho rằng cần tiếp tục bổ sung thêm một số ngành, lĩnh vực trong tiêu chí để phù hợp với thực tiễn triển khai. Bộ KH&ĐT khẳng định đây là đề xuất quan trọng để Bộ nghiên cứu và bổ sung cho giai đoạn 5 năm tới.

Minh Hằng