|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Năng lực liên danh ba nhà thầu vừa trúng gói xây cao tốc Mai Sơn - QL45 ra sao?

12:27 | 01/12/2020
Chia sẻ
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 chuyển đổi từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công vừa được khởi công ngày 30/9. Mới đây, Bộ GTVT đã trao gói thầu xây lắp XL-13 trị giá hơn 1.200 tỉ đồng cho liên danh ba nhà thầu chuyên thi công các dự án cao tốc tại Việt Nam.

Ngày 11/11, Ban Quản lí dự án (QLDA) Thăng Long đã kí hợp đồng và trao thầu gói thầu xây lắp XL-13 thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 cho liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và CTCP Tập đoàn Trường Thịnh với tổng giá thầu hơn 1.256 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong 24 tháng.

Về ba doanh nghiệp nằm trong liên danh trúng thầu, những đơn vị này đều có bề dày năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án cao tốc tại Việt Nam.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - nhà thầu lớn thuộc Bộ Quốc phòng

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoàn 12 thành lập năm 1996, người đại diện pháp luật đến nay là ông Nguyễn Hữu Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn.

Doanh nghiệp này là một trong những nhà thầu lớn thuộc Bộ Quốc phòng, từng đảm nhiệm thi công nhiều gói thầu xây lắp có qui mô tại các dự án cao tốc Việt Nam như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi,...

Tháng 9 mới đây, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đã kí hợp đồng thi công gói thầu Đ37A trị giá hơn 201 tỉ đồng thuộc dự án đầu tư xây dựng Đường Trường Sơn Đông.

Năng lực liên danh ba nhà thầu vừa trúng gói xây cao tốc Mai Sơn - QL45 ra sao? - Ảnh 2.

Doanh thu của Tổng Công ty Trường Sơn và công ty thành viên qua các năm. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Năng lực liên danh ba nhà thầu vừa trúng gói xây cao tốc Mai Sơn - QL45 ra sao? - Ảnh 3.

Lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Trường Sơn và công ty thành viên qua các năm. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Tổng Công ty Trường Sơn hiện có 7 công ty thành viên, gồm 4 công ty con, 1 công ty liên kết và 2 công ty liên quan. Trong số đó, chỉ có CTCP Trường Sơn 185 và Công ty TNHH MTV 384 đạt trên 200 tỉ đồng mỗi năm. 5 công ty còn lại có doanh thu trung bình dưới 100 tỉ đồng.

Theo thông tin chúng tôi có được, cập nhật đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của công ty hơn 696 tỉ đồng, trong đó hơn 589 tỉ đồng là vốn góp chủ sở hữu. Tổng nguồn vốn đạt 3.681 tỉ đồng, bao gồm 2.985 tỉ đồng nợ phải trả.

Công ty cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, Trường Sơn đã hoàn thành 39% kế hoạch về giá trị sản xuất kinh doanh, đạt 1.433 tỉ đồng, tăng 29 tỉ đồng so với cùng kì năm 2019. Doanh thu ghi nhận 1.164 tỉ  đồng, tăng 273 tỉ đồng so với cùng kì, giúp công ty hoàn thành 35% kế hoạch.

Những tháng cuối năm 2020, Trường Sơn dự kiến đạt 3.360 tỉ đồng doanh thu, và 20 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.

Năng lực của Tranconsin đến đâu?

CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Tranconsin) được thành lập năm 1999 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sau đó năm 2004 thì tiến hành cổ phần hóa. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của công ty là ông Phạm Văn Khôi.

Một số công trình Tranconsin từng thực hiện như nhà thầu dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng giá trị gói thầu là 6.700 tỉ đồng; gói thầu thuộc dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương hơn 1.500 tỉ đồng hay cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng trị giá 1.500 tỉ đồng,...

Năng lực của liên danh nhà thầu vừa trúng gói xây cao tốc  Bắc - Nam ra sao? - Ảnh 3.

Các dự án cao tốc tiêu biểu của Tranconsin. (Ảnh chụp màn hình: Hồ sơ năng lực của Tranconsin).

Tại đại hội cổ đông ngày 18/6/2011, Tranconsin đã nâng vốn điều lệ từ 15 tỉ đồng lên gấp đôi. Đến cuối 2019, vốn điều lệ công ty ở mức 961 tỉ đồng. 

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 ghi nhận hơn 1.896 tỉ đồng. Tổng phải thu khách hàng và hàng tồn kho được giữ ở mức 990 tỉ đồng và chiếm 52% tổng tài sản.

Bên cạnh đó, Tranconsin còn là chủ sở hữu của 6 công ty thành viên. Trong đó, CTCP Pháp Vân - Cầu Giẽ mang về khoản doanh thu hơn 500 tỉ đồng mỗi năm cho Tranconsin. 

Năng lực liên danh ba nhà thầu vừa trúng gói xây cao tốc Mai Sơn - QL45 ra sao? - Ảnh 5.

Tình hình kinh doanh của Phương Thành và công ty thành viên qua các năm. (Ảnh: Minh Hằng tổng hợp).

Tập đoàn Trường Thịnh - tên tuổi lớn tại Quảng Bình

CTCP Tập đoàn Trường Thịnh, doanh nghiệp thứ ba trong liên danh nhà thầu là cái tên có tiếng trong lĩnh vực hạ tầng, BOT, và bất động sản du lịch tại Quảng Bình.

Qui mô tài sản của Trường Thịnh đã tăng nhanh chóng trong khoảng chục năm qua. Với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 4,5 tỉ đồng, tính đến tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 2.619 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT hiện nay là ông Nguyễn Minh Hoài, nắm giữ gần 90% cổ phần tại công ty.

Tính đến ngày cuối năm 2019, tổng tài sản của nhà thầu này đã lên đến 5.170 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ/tổng tài sản từ mức 103% cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 40% năm 2018 trước khi tăng lên trên 87% vào cuối 2019.

Dù vậy, lợi nhuận của Tập đoàn Trường Thịnh báo cáo là rất thấp so với qui mô nguồn vốn của công ty. Theo báo cáo tài chính của Trường Thịnh công bố, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, công ty chỉ có 1,2 tỉ đồng lãi ròng với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,1. 

Có đến 14 công ty thành viên nhưng chỉ có hai công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh và CTCP Đầu tư và Thương mại Trường Thịnh có doanh thu trên 200 tỉ đồng mỗi năm và cũng tương tự như công ty mẹ, lợi nhuận mỗi năm của các thành viên cũng chỉ ghi nhận dưới 2 tỉ đồng mỗi năm. Các công ty còn lại trong Tập đoàn có doanh thu chỉ vài chục tỉ đồng.

Năng lực liên danh ba nhà thầu vừa trúng gói xây cao tốc Mai Sơn - QL45 ra sao? - Ảnh 7.

Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Trường Thịnh và công ty thành viên qua các năm. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Theo tìm hiểu, các dự án của Tập đoàn Trường Thịnh chủ yếu tập trung tại tỉnh Quảng Bình. Năm 2002, Trường Thịnh triển khai dự án Khu du lịch Mỹ Cảnh, nay là Sun Spa Resort tại bán đảo Bảo Ninh với qui mô 29 ha. 

Đến năm 2010, Trường Thịnh đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường, một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Hiện nay, công ty này đang triển khai dự án Khu đô thị mới Bảo Ninh, TP Đồng Hới với tổng mức 650 tỉ đồng và 500 tỉ đồng tại Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Hiện Trường Thịnh cũng đang nắm quyền thu phí tại một loạt dự án BOT như Dự án BOT đường tránh TP Đồng Hới; BOT mở rộng QL1 đoạn từ TP Đông Hà đến TX Quảng Trị; BOT QL1 đoạn Quảng Ninh - Lệ Thủy; BOT nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Gio Linh - TP Đông Hà; Trạm thu phí Quán Hàu, Trạm thu phí Triệu Phong – Quảng Trị…

Bên cạnh đó, Trường Thịnh còn là chủ đầu tư Công trình thủy điện La Trọng - Sông Gianh 1 có công suất lắp máy 18 MW với tổng mức đầu tư 825 tỉ đồng.

Minh Hằng