Năng lực của bộ ba doanh nghiệp trúng thầu dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ra sao?
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố thông tin các doanh nghiệp trúng thầu ba dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây chính thức được đồng loạt khởi công ngày 30/9.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư xây dựng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Giai đoạn phân kì đầu tư qui mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.853,9 tỉ đồng.
Trong đó, liên danh Tổng công ty Thăng Long - CTCP Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đã thắng gói thầu XL-01 (đoạn Km134+000 - Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối quốc lộ 1) tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (4 gói thầu xây lắp) khi bỏ giá thầu hơn 1.687 tỉ đồng.
Trong ba doanh nghiệp trúng thầu trên hiện có hai công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Đạt Phương và Tổng công ty Thăng Long.
Về CTCP Đạt Phương (Mã: DPG), công ty được thành lập năm 2002 với các hoạt động kinh doanh gồm xây lắp, thuỷ điện và bất động sản với vốn điều lệ hiện là 450 tỉ đồng.
Công ty còn đang có định hướng mở rộng sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn với mục tiêu 5 năm tới đầu tư khoảng 500 phòng khách sạn 5 và 4 sao. Ngoài ra, Đạt Phương còn muốn lấn sân sang cả mảng khu công nghiệp.
Cổ đông lớn của Đạt Phương chủ yếu nằm ở ban lãnh đạo cùng người nhà. Trong đó, ông Lương Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT nắm 15,94%, tổng số cổ phần ông Tuấn và người nhà sở hữu ở Đạt Phương là gần 33,7%.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu của Đạt Phương liên tục tăng trưởng giai đoạn năm 2017 - 2019 nhưng lợi nhuận lại trồi sụt. Năm 2019, công ty đạt 1.973 tỉ đồng doanh thu và 223 tỉ đồng lãi sau thuế, trong đó lợi nhuận đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, con số lợi nhuận năm 2019 mới chỉ bằng 43% mục tiêu của công ty (513 tỉ đồng) do cả ba lĩnh vực xây lắp, thuỷ điện và bất động sản đều gặp khó.
Nửa đầu năm, Đạt Phương ghi nhận 970 tỉ đồng doanh thu và 71 tỉ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 94% và 134% so với cùng kì năm 2019. So với mục tiêu của năm, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 31% lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh 6 tháng tăng trưởng mạnh nhờ mảng bất động sản, riêng mảng này đã mang về một nửa doanh thu cho công ty.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 4.517 tỉ đồng. Tổng nợ đi vay của công ty luôn vượt vốn chủ sở hữu từ năm 2014 và có xu hướng gia tăng qua các năm. Hết quí II, tổng nợ đi vay của công ty là 2.388 tỉ đồng, gấp 1,9 lần so với vốn chủ sở hữu.
Trong ba doanh nghiệp trúng thầu thì Tổng Công ty Thăng Long (Mã: TTL) có tuổi đời lâu nhất khi được thành lập năm 1973, chuyên về xây dựng cầu đường với vốn điều lệ hiện là 419 tỉ đồng.
Tổng công ty đã triển khai nhiều dự án lớn như: Cầu Kiền, cầu Sông Gianh, Cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại TP Hà Nội và TP HCM.
Trong cơ cấu cổ đông, CTCP Tasco (Mã: HUT) đang là cổ đông lớn nhất nắm 38,61% vốn, SCIC sở hữu 25% vốn bên cạnh Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đều nắm 7,16% vốn tại đây.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015 - 2018 cả doanh thu và lợi nhuận của tổng công ty liên tục lao dốc. Năm 2019, tình hình kinh doanh có dấu hiệu phục hồi khi doanh thu tăng lên 784 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỉ đồng.
Nửa đầu năm, tổng công ty đạt 272 tỉ đồng doanh thu, 6,4 tỉ đồng lãi sau thuế. Năm 2020, tổng công ty đặt mục tiêu 905 tỉ đồng doanh thu và 14,6 tỉ đồng lợi nhuận.
Xét về qui mô tài sản, tại ngày 30/6 tổng tài sản của Tổng công ty Thăng Long đạt 1.307 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 551 tỉ đồng. Tổng nợ đi vay hết quí II là 99 tỉ đồng, chỉ chiếm hơn 7% trong cơ cấu nguồn và đã giảm mạnh so với giai đoạn 2014 - 2016.
Công ty thứ ba trong liên danh là Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập vốn khá kín tiếng, thành lập năm 2001, chuyên về thầu xây dựng bên cạnh các mảng kinh doanh khác như bất động sản, tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng.
Công ty đã triển khai loạt dự án ở Phú Thọ như: Thi công xây dựng tuyến kênh tiêu số 2 vùng Đông Nam Việt Trì; khu đô thị và thương mại Việt Trì; cải tạo, gia cố và nâng cấp tuyến đê tả sông Thao kết hợp đường giao thông đoạn Km64-Km80 từ thị xã Phú Thọ đến cầu Phong Châu; cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ (giai đoạn 1).
Theo thông tin của người viết, Công ty Xây dựng Tự Lập có vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng. Số liệu về cơ cấu cổ đông của công ty không được công bố.
Về tình hình kinh doanh, theo số liệu công ty mẹ thì cả doanh thu và lợi nhuận của công ty liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019. Hết năm 2019, tổng doanh thu của công ty lên tới 2.039 tỉ đồng nhưng lãi sau thuế chỉ đạt 38 tỉ đồng.
Hết năm 2019, qui mô tổng tài sản của Công ty Xây dựng Tự Lập là 2.593 tỉ đồng, nợ phải trả là 951 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty là 1.642 tỉ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cuối năm 2018.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/