|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vướng mắc đất đai và đại dịch COVID-19 kìm hãm tốc độ cổ phần hoá DNNN

12:04 | 14/08/2020
Chia sẻ
Nhiều ông lớn như VNPT, Vinachem, Vinacomin, Vinafood 1, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hoá đến hết năm 2020 theo quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỉ đồng.

Lũy kế tổng giá trị thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 7/2020 là 25.630 tỉ đồng, thu về trên 172.800 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991 (giai đoạn 2017 – 2020) và quyết định số 26 (đạt 28% kế hoạch). 

Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.

Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 như: TP HCM (38 doanh nghiệp với 11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; TP Hà Nội (13 doanh nghiệp với 4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (6 doanh nghiệp với 3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương (4 doanh nghiệp với 3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng (2 Tổng công ty).

Bộ Tài chính cho biết việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. 

Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232 với giá trị 260 tỉ đồng, thu về 678 tỉ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỉ đồng, thu về 1.110 tỉ đồng.

Vướng mắc đất đai và đại dịch COVID-19 kìm hãm tốc độ cổ phần hoá

Theo nhận định của Cục Tài chính Doanh nghiệp, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232 còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng CTCP); TP Hà Nội (còn 31/34 doanh nghiệp).

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số đơn vị có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lí tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn nên các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa.

Mặt khác, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc.

Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.

Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.

Hoàng Kiều