|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà nước thu về bao nhiêu tiền từ việc thoái vốn năm 2020?

10:13 | 21/12/2020
Chia sẻ
11 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Nhà nước thu về bao nhiêu tiền từ việc thoái vốn năm 2020? - Ảnh 1.

Những doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước. (Đồ họa: Đức Bùi).

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết trong 11 tháng năm 2020, các doanh nghiệp đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN).

Riêng trong tháng 11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thoái vốn tại 1 DN với giá trị 1,6 tỷ đồng, thu về 2,9 tỷ đồng. 

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại CTCP Chăn nuôi Tiền Giang với giá trị 49,8 tỷ đồng, thu về 105,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thoái vốn nhà nước tại CTCP Công trình Đô thị Nam Định cũng đã thu về 4,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 11/2020, nhà nước đã thoái 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng từ việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. 

Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 103 đơn vị theo danh mục phải thoái vốn đến hết năm 2020 là 4.966 tỷ đồng, thu về 9.647 tỷ đồng. Kết quả này chỉ đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Song song đó, nhà nước cũng đã thoái 3.785 tỷ đồng tại công ty ngoài danh mục, thu về 110.392 tỷ đồng, đã bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu được 109.965 tỷ đồng tại Sabeco.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện đã thực hiện thoái 16.996 tỷ đồng, thu về 53.063 tỷ đồng.

Đối với công tác cổ phần hóa (CPH), trong 11 tháng đầu năm 2020, 7 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án CPH, trong đó Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương thuộc kế hoạch CPH.

Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 11/2020, có 178 doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. 

Tuy nhiên trong số đó chỉ có 37/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991 và Quyết định số 26 của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch.

Theo Bộ Tài chính, tiến độ CPH các doanh nghiệp còn chậm. Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm:

- Hà Nội: 13 doanh nghiệp, trong đó có 4 tổng công ty, chiếm 14% kế hoạch; 

- TP HCM 38 doanh nghiệp, trong đó có 11 tổng công ty, chiếm 40% kế hoạch; 

- Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 6 doanh nghiệp, gồm 3 tập đoàn, 3 tổng công ty;

- Bộ Công Thương: 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 tổng công ty; 

- Bộ Xây dựng: 2 tổng công ty.

Minh Hằng