TNG đạt 67% mục tiêu lợi nhuận năm sau 11 tháng
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) đã công bố báo cáo tài chính tháng 11/2020.
Theo báo cáo tài chính, tháng 11, doanh thu thuần của TNG đạt gần 317 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 8 tỷ đồng; giảm lần lượt 13% và 59% so với cùng kì năm trước.
11 tháng đầu năm, doanh thu của TNG đạt gần 4.209 tỷ đồng, lãi sau thuế 154 tỷ đồng; giảm lần lượt 3% và 29% so với cùng kì năm 2019. EPS 11 tháng là 2.087 đồng.
Năm 2020, TNG đặt mục tiêu 4.600 tỷ đồng doanh thu và 230 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy sau 11 tháng, doanh nghiệp đã đạt 91,5% kế hoạch doanh thu và 67% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đầu tháng 11, TNG cho biết với đơn hàng đã kí, công ty sẽ đạt kế hoạch doanh thu 2 tháng tiếp theo là 705 tỷ đồng và dự kiến đạt 100% kế hoạch cả năm 2020.
Tại ngày 30/11, tổng tài sản của TNG đạt 3.474 tỷ đồng, tăng 15% so với con số đầu năm. Tổng tiền và tiền gửi có kỳ hạn là 138 tỷ đồng, giảm 53% so với đầu năm.
Tổng giá trị khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tới 42% tài sản. Trong đó, tổng khoản phải thu và hàng tồn kho tính tới cuối tháng 11 lần lượt là 564 tỷ và 905 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ đi vay của TNG tại ngày 30/11 chiếm 48%, đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 248 tỷ so với đầu năm và gấp 1,46 lần so với vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, TNG còn có 127 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi tính tới cuối tháng 11.
Khả năng tận dụng EVFTA của TNG vẫn chưa rõ ràng
Trong một báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định khả năng tận dụng EVFTA của TNG vẫn chưa rõ ràng.
Cụ thể, với EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm 50% doanh thu năm 2019), TNG được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ EVFTA nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" của hiệp định này. Theo đó, doanh nghiệp phải sử dụng vải được sản xuất ở Việt Nam, Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản.
Hiện nay, TNG đang được chỉ định mua 40% vải trong nước, 50% vải nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là nhập khẩu từ Đài Loan và Hồng Kông. Do đặc thù của phương thức CMT và FOB cấp 1, nguyên liệu đầu vào đi theo đơn đặt hàng nên việc tìm kiếm nhà cung cấp đáp ứng theo yêu cầu của EVFTA cần phải có sự đàm phán giữa TNG và bên đặt hàng, FPTS nhận định.
Giữa tháng 12 vừa qua, tại Hội thảo quốc tế ngành dệt may - da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau COVID-19 và phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT của TNG, cho biết hiện công ty đang xây dựng Cụm Công nghiệp Thái Nguyên nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may như dệt, nhuộm, xơ, vải, chỉ may…
"Ngành dệt may đang thiếu các cụm công nghiệp trong đó tập hợp các nhà cung ứng nguyên liệu. Nguyên nhân là các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng các cụm này không xin được đánh giá tác động môi trường.
Cụm công nghiệp này sẽ góp phần khỏa lấp chỗ trống trong vấn đề tự chủ nguyên phụ liệu trong nước, đặc biệt là nguồn vải", ông Thời nói.