|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 startup được VinFast xuống tiền đầu tư trên cuộc đua xe điện

13:54 | 16/01/2022
Chia sẻ
Kể từ năm 2021, VinFast liên tục có các khoản đầu tư vào startup trong hệ sinh thái xe điện.

Sau gần 3 năm kể từ khi những chiếc ô tô đầu tiên của VinFast ra đời và được phân phối tại Việt Nam, VinFast mới đây bất ngờ tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022 để tập trung hoàn toàn vào xe điện. Để trở thành một hãng xe thuần điện, VinFast liên tục đầu tư vào nhiều startup cung cấp các công nghệ nền tảng như phần mềm, pin và bảo mật.

6 startup được VinFast xuống tiền đầu tư trên cuộc đua xe điện - Ảnh 1.

VinFast xuất hiện và thu hút nhiều sự chú ý tại CES 2022. (Ảnh: VinFast).

Calmcar Vision System

Theo dữ liệu của Crunchbase, Vinfast là một trong những nhà đầu tư góp mặt trong vòng gọi vốn Series C trị giá 150 triệu USD của Calmcar Vision System hồi cuối tháng 7/2021.

Được thành lập từ năm 2016 tại Trung Quốc, Calmcar sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển hệ thống thị giác máy (machine vision) ứng dụng trong các lĩnh vực như xe tự lái, robot, di chuyển thông minh và an ninh công cộng.

Hai sản phẩm đáng chú ý của Calmcar ở thời điểm hiện tại là hệ thống cảm biến 360 độ có thể phát hiện các vật thể đang di chuyển, đèn giao thông và làn đường xung quanh xe, và một hệ thống kiểm soát có thể phát ra tín hiệu cảnh báo khi trạng thái của người lái xe không tốt, nghe điện thoại hoặc hút thuốc trong xe, theo Caixing Global.

Calmcar cho biết nó hiện có cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Thiên Tân, Bắc Kinh (Trung Quốc) và Detroit (Mỹ) cùng đội ngũ nhân sự khoảng 150 kỹ sư.

Số tiền đầu tư 150 triệu USD nói trên sẽ được startup này dùng để mở rộng sản xuất phần mềm và phần cứng sử dụng trong các xe tự lái.

AM Batteries

VinFast tham gia vòng đầu tư 3 triệu USD vào một startup công nghệ pin của Mỹ có tên Am Batteries vào tháng 9/2021. Vòng đầu tư này do TDK Ventures và Foothill dẫn dắt đồng thời còn có sự tham gia của những cái tên như SAIC Capital, Doral Energy-Tech Ventures và Creative Ventures.

Khoản đầu tư mới sẽ giúp AMB thương mại hoá được công nghệ phủ điện cực khô của mình, từ đó cải thiện việc sản xuất pin lithium-ion. Công nghệ này được AMB phát triển dựa trên nền tảng kiến thức chuyên môn mới liên quan đến hoá học tiên tiến, khoa học bề mặt (surface science) và sản xuất phụ gia chính xác.

Các điện cực của AMB không chỉ giúp tiết kiện chi phí mà còn có thể giúp hướng tới các viên pin có công nghệ sạc nhanh hơn, mật độ năng lượng cao hơn và khả năng tương thích cao hơn. Hiện tại, công nghệ của AMB đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm trong ngành công nghiệp để triển khai thí điểm, hướng tới sản xuất số lượng lớn. Với các công ty xe điện, pin luôn là lĩnh vực nhận được cực kỳ nhiều sự quan tâm.

Autobrains

Autobrains, còn được biết đến với tên gọi Cartica AI, một startup chuyên phát triển hệ thống AI tự học hỏi ứng dụng vào lĩnh vực xe tự lái và hỗ trợ lái xe, nhận 101 triệu USD vốn đầu tư trong vòng Series C hồi tháng 11/2021. Vòng đầu tư này do Temasek dẫn dắt song có sự tham gia của nhiều cái tên khác như VinFast, Knorr-Bremse, BMW và Continental.

Công nghệ AI tự học hỏi của Autobrains có cách hoạt động khác hơn hẳn so với các hệ thống học sâu truyền thống. Theo đó, công nghệ của hãng này không đòi hỏi lượng dữ liệu lớn. Thay vào đó, nó sử dụng dữ liệu thực tế, chưa qua xử lý để xác định các tình huống tối ưu cho hoạt động đưa ra quyết định.

Bằng cách này, công nghệ của Autobrains đòi hỏi ít năng lực tính toán hơn và có thể được ứng dụng với chi phí thấp hơn nhiều so với các hệ thống học sâu hiện có trên thị trường.

Eatron

Cũng trong tháng 11/2021, Eatron, một startup cung cấp nền tảng "phần mềm xe thông minh" cho biết đã gọi vốn thành công 11 triệu USD trong vòng Series A do MMC Ventures dẫn dắt cùng sự tham gia của Aster Capital và Vinfast.

Trước đó, Eatron đã hợp tác cùng Vinfast trong nhiều dự án nhằm khai thác các giải pháp mà startup này cung cấp trong các sản phẩm xe điện của hãng này.

Hiện tại, Eatron đang đặt trụ sở tại Anh cùng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Các giải pháp của hãng này tập trung tối ưu khả năng vận hành, mức độ hiệu quả và độ an toàn của các phần mềm cho xe điện.

Karamba Security

Tháng 12/2021, Karamba Security công bố gọi vốn thành công 10 triệu USD trong vòng Series B. Đáng chú ý, VinFast là nhà đầu tư đóng vai trò dẫn dắt trong vòng gọi vốn này. Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác cũng tham gia đầu tư có thể kể đến SVIC, YL ventures, Fontinalis Partners, Liberty Mutual, Presidio Ventures, Glenrock, Paladin Group và Asgent. Tổng vốn mà Karamba Security đã kêu gọi được đếnt hời điểm hiện tại là 27 triệu USD. Karamba Security cung cấp nhiều giải pháp bảo mật trong ngành xe và IoT (Internet vạn vật).

"Theo quan điểm của chúng tôi về thị trường và các đánh giá sâu rộng về kỹ thuật, chứng kiến tận mắt công nghệ lõi của Karamba và học hỏi từ các nhà sản xuất khác, chúng tôi thấy Karamba có vị thế tốt để giúp công ty của chúng tôi đạt được bước tiến ở mảng bảo mật số", bà Phạm Thuỳ Linh, Phó Tổng giám đốc VinFast, chia sẻ.

StoreDot

StoreDot, startup công nghệ pin thế hệ mới của Israel với sản phẩm đáng chú ý nhất là công nghệ sạc pin siêu nhanh cho xe điện, nhận được 60 triệu USD trong vòng gọi vốn vào tháng 1/2022 do VinFast dẫn dắt.

Số vốn mới kêu gọi sẽ được StoreDot dùng để hoàn thiện quá trình nghiên ứu và phát triển và sản xuất với số lượng lớn công nghệ của startup này. StoreDot cho biết hiện các công nghệ hiện tại đã được chuyển tới các nhà sản xuất xe để thử nghiệm.

StoreDot hiện có nhiều hợp tác với các "ông lớn" như Daimler, Samsung, TDK và EVE Energy. Thiết kế pin lithium-ion của hãng này có thể hỗ trợ sạc nhanh và có thể sạc xe điện trong vòng vài phút, theo TechCrunch.

Nam Khánh