6 bước quan trọng để lèo lái doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát cao
Khá nhiều nhà quản lý chưa bao giờ phải đối mặt với áp lực lạm phát lớn như hiện nay. Lần gần nhất chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước là vào năm 1982.
Tin tốt là, tuy thế giới không thực sự có sẵn sách lược để xoay xở trong một đại dịch toàn cầu hay chiến sự căng thẳng ở châu Âu, lạm phát lại không phải là vấn đề gì mới mẻ.
Những nhà lãnh đạo khéo léo vượt qua biến động kinh tế ngày hôm nay gần như chắc chắn sẽ tạo ra được biên lợi nhuận hấp dẫn hơn và bỏ xa đối thủ cạnh tranh trong nhiều năm tới. Dưới đây là các bước quan trọng mà các nhà lãnh đạo nên thực hiện ngay, theo Fortune:
Chấp nhận rằng lạm phát có thể kéo dài
Các nhà phân tích dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều tháng tới và rất có thể còn tệ đi. Một số lãnh đạo doanh nghiệp còn cho rằng áp lực lạm phát có thể kéo dài tới 4 năm.
Dự báo của doanh nghiệp Mỹ có sức nặng vì lạm phát thường có mối tương quan với dự đoán: Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp hành động dựa trên kỳ vọng là lạm phát sẽ kéo dài thì kỳ vọng đó thường sẽ trở thành thực tế.
Lạm phát đang trở thành vòng lặp luẩn quẩn, doanh nghiệp trong nhiều ngành tăng giá và người lao động đòi lương cao hơn. Chanel, Louis Vuitton và các nhãn hiệu xa xỉ khác đã nâng giá thêm 20% hoặc hơn, cao hơn nhiều mức lạm phát hiện nay. Các nhà phát triển phần mềm, nhờ sức mạnh định giá to lớn tương tự, nhiều khả năng cũng sẽ làm theo.
Tuy Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hứa sẽ hành động cứng rắn hơn để kiềm chế giá cả, một số lĩnh vực kinh tế sẽ đẩy giá lên bất chấp phản ứng ngắn hạn của Fed.
Sẽ mất nhiều năm để xây dựng các nhà máy chất bán dẫn mới; tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra lâu hơn dự đoán; và ngành vận tải đang thiếu hàng chục nghìn tài xế xe tải, mắt xích cốt yếu trong chuỗi cung ứng cho toàn nền kinh tế. Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với các thách thức chưa từng có tiền lệ. Lập kế hoạch đối phó lạm phát, ít nhất là đến hết năm 2022, sẽ là hành động không thừa.
Tập trung vào tiền mặt
Tiền mặt là vua, đây là chân lý này càng quan trọng trong môi trường kinh doanh hiện nay. Trong giai đoạn lạm phát cao, doanh nghiệp cần thêm tiền mặt để trang trải phí tổn, chứ không phải chỉ để trang trải chi phí vận hành.
Bạn hàng muốn thanh toán chậm hơn, còn khách hàng bị trễ hạn trả góp. Có vẻ như toàn bộ hệ thống đều đang cố gắng trì hoãn việc thanh toán. Nhưng cùng lúc đó, mọi người đều gắng sức thu tiền nhanh hơn.
Trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp có thể rơi vào khủng hoảng tiền mặt. Nhưng nhà lãnh đạo có thể tránh rắc rối bằng cách xác định ba cạm bẫy chính:
Khác hàng trả chậm: Hãy xử lý vấn đề này ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên. Một số công ty B2B có hợp đồng dài hạn với giá cố định và không thể chấp nhận thanh toán chậm. Công ty phải nói chuyện với khách hàng và và đưa ra các điều khoản thanh toán mới.
Nếu khách hàng yêu cầu sự điều chỉnh vượt quá những gì ghi trong hợp đồng, nhà lãnh đạo nên yêu cầu sự đánh đổi, chẳng hạn như gia hạn hợp đồng, mở rộng phạm vi hay gia hạn sớm. Các nhà lãnh đạo cần lưu ý rằng một số khách hàng thanh toán chậm sẽ trở thành khách hàng không thanh toán. Động thái thông minh nhất có lẽ là ngừng bán hàng cho họ trước khi điều đó xảy ra.
Tích trữ: Khi lạm phát đi lên, nhà quản lý có thể muốn đặt nhiều hàng tồn kho hơn nhu cầu. Thoạt nhìn thì nước đi này có vẻ hợp lý nhưng lại có thể dẫn tới chảy máu tiền mặt nhưng thực chất lại là ý tưởng tồi vì doanh thu khó mà tăng theo giá vật tư.
Đầu tư cho tài sản cố định: Lãnh đạo doanh nghiệp phải xét xem liệu có cần khởi động các kế hoạch chi tiêu một cách nhanh chóng hay không. Bảo tồn tiền mặt bằng cách hạ thấp điểm hòa vốn của công ty — bằng cách hoãn một số khoản đầu tư cho tài sản cố định — có thể phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.
Nắm chắc dữ liệu
Đối thủ của bạn có vẻ đang giành được thị phần, nhưng đây có thể chỉ là ảo tưởng trong giai đoạn lạm phát. Cũng có thể họ đang tăng giá, nhưng chỉ phù hợp với mức lạm phát trong ngành và địa điểm hoạt động. Để hiểu rõ điều gì đang xảy ra, nhà lãnh đạo phải biết xu hướng giá cả cụ thể trong lĩnh vực và khu vực họ đang kinh doanh.
Số liệu thống kê của chính phủ gần như vô dụng vì chúng lỗi thời và quá rộng. Một chỉ số đơn lẻ như CPI cung cấp rất ít thông tin về tình hình của từng ngành. Cách duy nhất để có được dữ liệu ý nghĩa là thu thập thông tin về biến động giá trong lĩnh vực của công ty mình.
Sớm tăng lương và giá
Trong thời kỳ lạm phát cao, các doanh nghiệp cần đội ngũ chuyên trách về giá cả. Nhóm này nên thu thập dữ liệu bên ngoài như giá của đối thủ cạnh tranh, giá đầu vào và tâm lý người tiêu dùng.
Cuộc chiến giành nhân tài cũng trở nên gay gắt trong thời buổi kinh tế đầy biến động, vì vậy các nhà lãnh đạo phải ở thế tấn công. Nhân viên tài năng có thể dễ dàng đi nơi khác và do đó, công ty phải tăng lương nhiều hơn mức lạm phát.
Chuẩn bị sẵn sàng cho suy thoái
Để kiềm chế lạm phát, Fed có thể phải kìm hãm nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền. Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers gần đây viết rằng "quỹ đạo chính sách hiện tại của Fed có khả năng dẫn đến lạm phát đình trệ, với tỷ lệ thất nghiệp trung bình và lạm phát trung bình đều trên 5% trong vài năm tới — và cuối cùng là suy thoái nghiêm trọng".
Hầu hết các chuyên gia dự báo trên Phố Wall nhận định khả năng xảy ra suy thoái là khoảng 30%. Rõ ràng là doanh nghiệp nên bắt đầu lập chiến lược trong thời kỳ suy thoái ngay bây giờ để đề phòng.
Sử dụng sức mạnh nội tâm
Trong một nền kinh tế thay đổi chóng mặt, lạm phát leo thang, đại dịch hoành hành và căng thẳng địa chính trị bùng nổ, nhà lãnh đạo sẽ không bao giờ có đủ mọi thông tin mình muốn để ra quyết định.
Họ có thể sẽ phải dựa vào phán đoán và trực giác. Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng sẽ cần sự dũng cảm để xử lý các vấn đề khó khăn nhất mà mình từng phải đối mặt. Hãy trân trọng những kỹ năng này. Trong bối cảnh bất định cao như hiện nay, chúng là những người bạn tốt nhất.