|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed vừa tăng lãi suất: Ảnh hưởng tới lạm phát, việc làm và vay nợ ở Mỹ ra sao?

14:29 | 18/03/2022
Chia sẻ
Trong động thái nhằm đảm bảo mục tiêu kép là kiểm soát lạm phát và ổn định việc làm, Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang lên thêm 0,25 điểm %. Vậy người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng gì và liệu biện pháp này của Fed có giải quyết được nguy cơ suy thoái kinh tế không?
Fed vừa tăng lãi suất: Ảnh hưởng tới lạm phát, việc làm và vay nợ ra sao? - Ảnh 1.

Chiều 16/3, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm % lên phạm vi 0,25 - 0,5%.

Mỹ đã thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt để đối phó lạm phát tháng 2 lên tới 7,9% - mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Tổng quan nền kinh tế đang phục hồi mạnh. Mỹ có thêm 678.000 việc làm vào tháng 2, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 3,8%.

Nhưng sự gián đoạn từ thị trường hàng hóa do cuộc chiến tại Ukraine và những lệnh phong tỏa tại Trung Quốc sẽ khiến nguy cơ lạm phát trở nên rõ ràng.

Những gì sẽ bị ảnh hưởng?

Lãi suất thẻ tín dụng

Những thay đổi về lãi suất thẻ tín dụng sẽ bám sát các động thái của Fed, vì vậy người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải trả nhiều hơn cho bất kỳ khoản nợ nào.

Theo Cục Dự trữ Liên bang, lãi suất trung bình với những chủ thẻ không trả hết số nợ mỗi tháng vào cuối năm ngoái là 16,44%.

Khoản vay của sinh viên

Những khoản vay liên bang dành cho sinh viên sẽ không bị ảnh hưởng do lãi suất là cố định. Tuy nhiên những khoản vay tư nhân sẽ tăng lãi suất do cả khoản cho vay lãi suất cố định và biến đổi đều được liên kết với các hệ thống đánh giá theo dõi lãi suất quỹ liên bang.

Vay mua xe

Các khoản cho vay mua ô tô có xu hướng biến động theo Trái phiếu kho bạc trung hạn (5 năm), vốn bị ảnh hưởng bởi lãi suất quỹ liên bang. Tuy nhiên, quỹ liên bang không phải là yếu tố duy nhất quyết định lãi suất khoản vay mua xe.

Theo New York Times, lãi suất cho vay tùy thuộc vào lịch sử tín dụng, loại xe, thời hạn vay, khoản trả trước và các yếu tố khác.

Fed tăng lãi suất: người tiêu dùng chịu khổ mà chưa chắc đã hết lạm phát - Ảnh 2.

Quyết định tăng lãi suất của Fed chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất cho vay mua xe. (Ảnh: Alyssa Schukar/The New York Times).

Ông Jonathan Smoke, nhà kinh tế trưởng tại Cox Automotive cho biết những người đi vay có điểm tín dụng kém có thể phải trả lãi suất 20% hoặc hơn, trong khi những người có tín dụng tốt có thể hưởng lãi suất gần bằng không.

Các khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi

Việc tăng lãi suất quỹ liên bang của Fed thường có nghĩa là các ngân hàng sẽ trả nhiều lãi hơn cho các khoản tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ không tăng ngay lập tức. Tài khoản tiết kiệm trực tuyến trung bình chỉ trả 0,49% trong tháng 3, theo DepositAccounts.com; mức trung bình từ 1 năm trước là 0,48.

Tại các ngân hàng truyền thống, tài khoản tiết kiệm trung bình trả lãi 0,12% trong tháng 3, giảm nhẹ so với mức 0,15% của năm ngoái.

Lãi suất từ chứng chỉ tiền gửi đã bắt đầu tăng cao hơn một chút. Tại các ngân hàng trực tuyến, lãi suất đạt 0,67% trong tháng 3, tăng từ 0,51% vào tháng 1. Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi 5 năm có mức lãi suất trung bình là 1,08%, tăng lên so với mức 0,86% của tháng 1.

Hầu hết các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ thường có xu hướng nắm giữ các khoản đầu tư rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ ngắn hạn, cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất.

Cổ phiếu và trái phiếu

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine, nguy cơ dịch bệnh COVID, lạm phát, giá năng lượng và quyết định của Fed đều ảnh hưởng tới cổ phiếu và trái phiếu.

Thị trường chứng khoán đã tính toán tới khả năng còn nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay. Bất kỳ phản ứng nào của thị trường vào 16/3 chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ giảm tốc hoặc đẩy nhanh đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Thông thường khi lãi suất tăng, giá trái phiếu hiện tại sẽ giảm bởi những trái phiếu cũ (lợi suất thấp hơn) không hấp dẫn bằng những trái phiếu mới với lợi suất cao.

Fed vừa tăng lãi suất: Ảnh hưởng tới lạm phát, việc làm và vay nợ ra sao? - Ảnh 4.

Hạ cánh mềm hay suy thoái kinh tế

Khi giá tiêu dùng tiếp tục tăng, Fed sẽ khó có thể đưa nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" theo mong muốn của Chủ tịch Jerome Powell. Theo khái niệm của ông Powell, “hạ cánh mềm” là lạm phát được kiểm soát, nhưng lãi suất tăng không gây ra suy thoái.

Trong lưu ý dành cho khách hàng hôm 16/3, ông Jim Reid, một chiến lược gia nghiên cứu tại Deutsche Bank, cảnh báo rằng việc Fed tăng lãi suất thường dẫn đến suy thoái.

Ông Reid viết: “Không phải mọi chu kỳ tăng lãi suất của Fed đều dẫn đến suy thoái, nhưng tất cả các chu kỳ tăng làm đảo ngược đường cong lợi suất đều dẫn đến suy thoái trong vòng một đến ba năm”.

Fed tăng lãi suất: người tiêu dùng chịu khổ mà chưa chắc đã hết lạm phát - Ảnh 4.

Đường con lợi suất đảo ngược trong các cuộc khủng hoảng kinh tế từ 1962 đến nay. (Ảnh: yardeni.com Việt hóa: Minh Quang).

Theo Forbes, đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn cao hơn lợi suất dài hạn, đây là một yếu tố dự báo đáng tin cậy cho các cuộc suy thoái trong quá khứ. 

Thông thường, đường cong lợi suất hướng lên. Gần đây, đường cong lợi suất đã trở nên phẳng hơn, tức là tiến gần thêm một bước tới tình trạng đảo ngược.

“Năm 2022 khó có thể là năm suy thoái của Mỹ, nhưng cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 sẽ có rủi ro cao”, Reid nói thêm.

Bất chấp nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng, chứng khoán Mỹ phục hồi vào hôm 16/3. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 1%, trong khi Nasdaq tăng hơn 2%.

Minh Quang