Rủi ro từ lạm phát không tha một ai: Lớn mạnh như Tesla và SpaceX cũng chịu áp lực 'khủng khiếp', khiến tỷ phú Elon Musk lo sốt vó
Tỷ phú Elon Musk, người đang điều hành hai công ty hàng đầu thế giới là doanh nghiệp xe điện Tesla cùng công ty hàng không vũ trụ SpaceX vừa qua đã thừa nhận đang phải đối mặt với sức ép lớn từ lạm phát do chi phí nguyên vật liệu và logistics tăng cao, theo Reuters.
Ngày 13/3, trên trang Twitter cá nhân, tỷ phú giàu nhất thế giới đã đề cập tới tình hình lạm phát trên thế giới trong năm tới và thừa nhận rằng không chỉ các công ty mà ông đang điều hành, ngay cả những công ty khác cũng phải đối mặt với những áp lực tương tự.
CEO Tesla và SpaceX trích dẫn một bài viết để chỉ ra rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy giá hàng hóa chung trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Việc Nga mở "chiến dịch đặc biệt" nhằm vào phía Ukraine đã khiến giá kim loại được sử dụng trong sản xuất ô tô tăng vọt, bao gồm nhôm trong thân xe cho đến palađi trong bộ chuyển đổi xúc tác hay cả niken cao cấp được dùng trong pin xe điện. Điều này khiến khách hàng phải chấp nhận thanh toán những khoản phí cao hơn.
Dù kim loại vẫn chưa phải mặt hàng mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, Anh và các nước phương Tây áp đặt lên Nga, nhưng nhiều nhà cung cấp phụ tùng ô tô hiện đã cắt giảm lượng nhập khẩu hàng hóa của Nga. Điều này đã làm gia tăng áp lực đối với các nhà sản xuất ô tô.
Phía Tesla và SpaceX hiện chưa đưa ra bình luận về các vấn đề xoay quanh mức lạm phát cao hiện tại.
Giá nguyên liệu thô tăng cao đã làm dấy lên những lo ngại trong ngành xe điện, khi các nhà sản xuất ô tô cũ và các công ty khởi nghiệp chuẩn bị tung ra những dòng ô tô điện mới trong năm nay sau khi khắc phục các vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu chip, vốn đã làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm suốt năm qua.
Ngoài ra, những rủi ro về mặ địa chính trị phát sinh từ cuộc xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy ở Mỹ và gây ra khó khăn cho các nhà cung cấp nguyên liệu thô trong việc báo giá với các nhà sản xuất.
Nhà phân tích Susannah Streeter của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown có trụ sở tại Anh cho biết: "Cũng giống như cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đã tồn tại trong suốt năm qua, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gây ra sự gián đoạn mới đối với nguồn cung cấp nguyên liệu thiết yếu. Bên cạnh đó, xung đột cũng tạo ra sự gia tăng đáng lo ngại về giá cả".
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ Wells Fargo lưu ý rằng giá niken, một nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong pin xe điện, đã tăng 130%, trong khi coban, lithium và nhôm cũng được dự báo sẽ tăng từ 16% đến 88% trong năm nay.
Hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục trong khoảng 40 năm qua, kéo theo giá nhà ở, thực phẩm, khí đốt đều tăng cao. Tính đến tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng khoảng 7,9%, mức cao nhất kể từ năm 1982.
Tuần trước, gã khổng lồ trong ngành xe điện Tesla đã tăng giá các mẫu xe SUV và sedan phổ biến của mình tại Trung Quốc và Mỹ thêm 1.000 USD. Bên cạnh đó, đối thủ của Tesla là startup được tỷ phú Jeff Bezos hậu thuẫn Rivian Automotive Inc cảnh báo họ sẽ cắt giảm một nửa sản lượng theo kế hoạch, trong khi ông lớn Toyota Motor Corp cho biết họ sẽ giảm quy mô sản xuất do các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Giá cổ phiếu của hai công ty xe điện là Rivian và Nikola đã giảm lần lượt 0,7% và 2,7% trong phiên giao dịch ngày 14/3. Trong khi đó, giá cổ phiếu Tesla cao hơn đôi chút vì đã có sự chuẩn bị với những tình huống xấu.