5 sai lầm cần tránh khi trả nợ để tài chính cá nhân ổn định
Có nhiều lý do khiến chúng ta buộc phải vay nợ. Các khoản vay từ ngân hàng, các tổ chức tài chính hay các cá nhân gần như đều sẽ bị tính lãi suất. Dù cho các khoản nợ lớn hay nhỏ thì đều sẽ cần hoàn trả trong một khoảng thời gian định trước.
Nếu muốn trả nợ nhanh, chúng ta rất dễ mắc lỗi. Có những sai lầm cần tránh khi trả nợ mà rất có thể bạn còn không nhận ra.
Sai lầm 1: Không thay đổi thói quen chi tiêu khi đang trả nợ
Bạn có ghé các nhà hàng đắt đỏ mỗi sáng để mua cà phê hay không? Bạn vẫn thường xuyên đi mua hàng tạp hóa mà không mang theo danh sách? Cảm thấy một sự thôi thúc không thể cưỡng lại để mua chiếc iPhone đời mới nhất? Đón bữa tối tại một nhà hàng khác trên đường đi làm về?
Những thói quen như vậy giúp cho cuộc sống của bạn thoải mái và vui vẻ, nhưng bên cạnh đó cũng khiến tài sản, tiền bạc của bạn không ngừng rời khỏi ví.
Cách khắc phục: Hãy cân nhắc xem bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu bằng cách thay đổi thói quen của mình. Những gợi ý gồm có tìm các lựa chọn thay thế rẻ hơn, ví dụ như tự pha cà phê, luôn kiểm tra tủ lạnh và tạo danh sách trước khi đi siêu thị, tránh các thói quen chi tiêu xa hoa cho các sản phẩm công nghệ đắt đỏ, chăm chỉ tự nấu ăn,…
Thực tế, việc thường xuyên bội chi là nguyên nhân khiến bạn nợ nần hoặc mãi không trả nợ xong. Thay đổi thói quen chi tiêu sẽ giúp tiết kiệm tiền và cực kỳ hữu ích cho việc trả nợ.
Sai lầm 2: Cố gắng trả nợ một mình
Đối với các khoản nợ nhỏ thì bạn sẽ không cần lo lắng lắm nhưng các khoản lớn hơn thì sao? Bạn tự tin rằng mình sẽ hoàn trả đúng hạn được chứ? Nhìn chung, khi có khoản nợ lớn, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh như người thân, bạn bè. Tâm lý bạn có thể ngại ngần, bài xích việc nhờ vả người khác nhưng hãy nghĩ rằng, nếu bạn không nhanh chóng trả xong các khoản nợ, lãi suất ngày một nhiều và bạn càng không thể trả nữa.
Cách khắc phục: Nhận trợ giúp từ những người thân thiết và có thể “gợi ý” họ tạm giữ bí mật giúp bạn, sau đó tiết kiệm tiền, tìm cách tăng thu nhập và hoàn trả sau. Lưu ý, trợ giúp ở đây có thể chỉ là cho bạn vay với lãi suất thấp hơn.
Sai lầm 3: Muốn trả nợ nhưng không lập ngân sách hợp lý
Trước nguy cơ tiền vay nợ ngày càng “lãi mẹ đẻ lãi con”, nhanh chóng thoát khỏi nợ nần cũng chẳng khác gì thoát khỏi chiến tranh. Thế nhưng, nếu bạn không lập ngân sách, không kiểm soát tốt tài chính cá nhân thì chắc chắn bạn không thể làm được và các khoản nợ đó chỉ ngày càng “bung bét” hơn mà thôi.
Cách khắc phục: Lên kế hoạch lập ngân sách và kiên trì thực hiện. Một ngân sách sẽ bao gồm chi tiêu cho nhà ở, thực phậm, xe cộ, y tế, bảo hiểm và giáo dục – tất cả đều được giới hạn. Bạn cũng nên cắt giảm các khoản chi cho giải trí như đi ăn hàng, đi du lịch, mua đồ mới (có thể không cần thiết).
Sai lầm 4: Cố gắng trả nhiều khoản nợ cùng một lúc
Có những hóa đơn bạn phải trả hàng tháng, như thế chấp, vay mua ô tô, điện nước. Sau đó, có những hóa đơn bạn có thể thanh toán một phần, chẳng hạn như thẻ tín dụng. Mọi người thường cố gắng giải quyết tất cả khoản nợ mỗi tháng nhưng cuối cùng, bước đi này không giúp bạn hoàn tất thanh toán các khoản nợ mà còn chán nản vì khoản vay nào cũng vẫn còn nguyên.
Cách khắc phục: Khi trả nợ, hãy tập trung trước nhất vào trả một khoản có lãi suất cao nhất đầu tiên.
Sai lầm 5: Đóng tài khoản thẻ tín dụng khi chúng được thanh toán hết
Những ai có thói quen chi tiêu, thanh toán hầu hết các khoản bằng thẻ tín dụng, sau đó trở thành “con nợ tín dụng” thì đều dễ nghĩ rằng, khi trả hết nợ hãy thôi dùng tài khoản vay nợ đó. Tuy nhiên, cách này không hợp lý vì nó sẽ khiến bạn khó khăn trong chi tiêu, “băn bo” với mọi thứ, không thể phục hồi tài chính cá nhân của bạn.
Cách khắc phục: Các chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng bạn không nên dừng sử dụng toàn bộ thẻ tín dụng. Thay vào đó, hãy mở các thẻ tín dụng mới chẳng hạn để tận dụng các ưu đãi mới.
Nhìn chung, trả nợ là một quá trình cần sự kiên nhẫn và cố gắng. Lúc vay sẽ dễ hơn lúc trả, nhưng nếu không phạm phải một hoặc một vài sai lầm ở trên, bạn sẽ nhanh chóng trả hết nợ nần.