|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bạn nên để bao nhiêu tiền trong tài khoản chi tiêu và dành bao nhiêu cho tiết kiệm?

07:00 | 22/12/2021
Chia sẻ
Tiết kiệm tiền là một trong những thói quen tài chính tốt nhất để phát triển và tích lũy tài sản nhưng không phải ai cũng tính toán được số tiền mình nên tiết kiệm là bao nhiêu cho đủ.

Mặc dù không có nguyên tắc nào quy định rằng bạn nên có chính xác bao nhiêu tiền trong tài khoản tiết kiệm nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn có tiêu chuẩn thực tế. Số tiền bạn giữ trong tài khoản để chi tiêu hoặc tài khoản tiết kiệm sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình hình và mục tiêu của bạn. 

Phong cách lập ngân sách và thói quen chi tiêu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một số mẹo và thông tin chi tiết để giúp xác định số tiền bạn nên tiết kiệm tùy theo tình huống thực tế.

Bạn nên có bao nhiêu tiền trong tài khoản chi tiêu?

Khi được nhận lương hàng tháng, tiền có thể chuyển thẳng vào tài khoản của bạn. Hãy kiểm tra ngay lập tức và bắt đầu tính toán các chi phí hàng ngày. Bạn cần có đủ tiền để cho chi tiêu thường xuyên.

Số tiền bạn giữ trong tài khoản là kết quả trực tiếp của thu nhập cũng như ngân sách và chi tiêu thường ngày. Sau đó, phần lớn số tiền dư ra của bạn có thể được dùng để thực hiện các mục tiêu tiết kiệm như đầu tư vào quỹ hưu trí hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp. Quá nhiều tiền trong tài khoản chi tiêu của bạn có thể gây phản tác dụng vì bạn dễ mua sắm khi không thực sự cần thiết.

Quyết định số tiền tiết kiệm nên để ra mỗi tháng

1. Bạn nên có đủ tiền tiết kiệm làm quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp thường là "tuyến phòng thủ" đầu tiên của bạn khi những sự việc bất ngờ xảy ra trong cuộc sống và bạn cần thêm tiền để trang trải một khoản chi phí quan trọng. Trong trường hợp khẩn cấp về y tế, mất việc làm hoặc phải chi cho các khoản đột xuất khác, bạn có thể rút từ quỹ khẩn cấp của mình để trang trải ngay lập tức thay vì phải dùng đến thẻ tín dụng hoặc đi vay nợ.

Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền để sau đó chi tiêu tùy ý? - Ảnh 1.

Quỹ khẩn cấp giúp bạn thực sự "an toàn" trong những trường hợp bất khả kháng. (Nguồn: Darrow)

Đây là lý do tại sao xây dựng một quỹ khẩn cấp vững chắc là chìa khóa quản lý tài chính. Bà Sallie Mullins Thompson, một kế toán viên công chứng CPA, chuyên gia tài chính làm việc ở New York khuyến nghị mọi người nên dành ra 6 tháng chi phí cho một hộ gia đình có 2 người có thu nhập và 12 tháng chi phí cho một hộ gia đình chỉ có 1 người làm ra tiền. Số tiền trong quỹ khẩn cấp khác với tiền trong sổ tiết kiệm vì nó phải dễ truy cập khi cần.

2. Số tiền bạn tiết kiệm được phải phù hợp với chiến lược lập ngân sách

Lập ngân sách là bước quan trọng để xây dựng khoản tiết kiệm vì bạn cần biết tiền của mình đang đi đâu và xử lý các khoản chi tiêu trong gia đình cần thiết nhất, không để vì tiết kiệm mà sống quá thiếu thốn hoặc ngược lại. Sau đó, bạn có thể chuyển trọng tâm của mình sang một chiến lược giúp tiết kiệm nhiều tiền hơn. 

Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền để sau đó chi tiêu tùy ý? - Ảnh 2.

Tiết kiệm nhiều hơn với chiến lược lập ngân sách hiệu quả và thực tế. (Nguồn: The MoneyFool)

Có nhiều kiểu lập ngân sách khác nhau mà bạn nên xem xét áp dụng, cụ thể là: Lập ngân sách chi tiết cho từng khoản chi tiêu, tiết kiệm; Lập ngân sách có tổng bằng 0; Lập ngân sách sau khi trừ ngay một khoản tiết kiệm cố định hàng tháng vào ngày nhận lương và cuối cùng là lập ngân sách theo tỷ lệ thu nhập – phổ biến nhất là 50/30/20 (chi tiêu cố định 50%, chi tiêu linh hoạt 30% và tiết kiệm 20%).

3. Cân nhắc đầu tư

Khi bạn đã có phương pháp lập ngân sách mong muốn, đã đến lúc tối ưu hóa thu nhập bằng cách kiếm tiền nhiều hơn qua các chiến lược đầu tư và tiết kiệm khác nhau. Bất kể các khoản tiền nào còn lại sau chi tiêu cần thiết đều nên được cân nhắc đầu tư – tiết kiệm hợp lý. 

Cân nhắc bỏ tiền vào chứng khoán, bất động sản hay các khoản đầu tư khác là tùy vào bạn nhưng cũng đừng quên để dành tiền vào tài khoản tiết kiệm và quỹ nghỉ hưu. Một lưu ý là bạn nên đầu tư sau khi đã chắc chắn có các khoản tiết kiệm.

"Do có vô số các lựa chọn đầu tư nên những tài khoản này có thể được đa dạng hóa, cân bằng lại và phân bổ thích hợp theo mức độ chấp nhận rủi ro của một người", bà Thompson nói.

4. Xóa sổ các khoản nợ

Nợ nần có thể dễ dàng khiến bạn không tiết kiệm được nhiều tiền. Nếu bạn có nhiều tài khoản tín dụng hoặc khoản vay với lãi suất cao, điều này sẽ tiêu tốn thu nhập của bạn. Để giữ số dư nợ ở mức thấp hoặc trả hết, bạn có thể thêm các khoản thanh toán nợ vào ngân sách hàng tháng và lập kế hoạch giảm nợ, xóa nợ càng sớm càng tốt.

Chi tiêu cho các chi phí tùy ý không bắt buộc như ăn hàng, giải trí, du lịch sẽ cần được cắt giảm cho đến khi khoản nợ đã được trả hết. Hãy liệt kê các khoản nợ của bạn và xác định cách bạn muốn trả chúng. 

Một số người chọn tập trung vào khoản nợ thấp nhất trước trong khi những người khác chọn tập trung vào khoản nợ có lãi suất cao nhất. Tránh cố gắng trả hết nợ cùng một lúc vì điều này có thể trở nên quá tải. Thay vào đó, hãy tập trung vào từng thứ một.

Tiết kiệm tiền không phải chỉ có trên lý thuyết mà bạn phải lập kế hoạch cụ thể bằng cách đặt mục tiêu và thực hiện các bước một cách tập trung, chính xác. Không có số tiền nhất định phải để tiết kiệm ở một độ tuổi nhất định vì hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau. 

Tuy nhiên, bạn có thể tối đa hóa khoản tiết kiệm của mình bằng cách làm những việc như lập ngân sách và xây dựng quỹ khẩn cấp.

Thu Phương