|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giữ tiền mặt trong thời kỳ suy thoái kinh tế: Ai cũng muốn nhưng đâu là cách hợp lý?

07:20 | 06/12/2022
Chia sẻ
Một nhà lập kế hoạch tài chính cho biết không có gì quan trọng hơn tiền mặt trong thời kỳ suy thoái, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giữ và quản lý ngân sách tiền mặt của mình một cách thông minh, hiệu quả.

Về cơ bản, chúng ta có thể không kiểm soát được tình trạng của nền kinh tế nhưng may mắn thay, chúng ta có thể kiểm soát mức độ chuẩn bị của mình. Trong thời kỳ tài chính khó khăn, tiền mặt và tính thanh khoản là quan trọng nhất. Dễ dàng tiếp cận tiền mặt trong thời kỳ suy thoái có thể giúp bạn tránh mắc phải nhiều khoản nợ.

Không ai có thể dự đoán liệu chúng ta sẽ bước vào thời kỳ suy thoái vào lúc nào và nghiêm trọng hay không, cũng như chẳng ai biết được mình có bất ngờ mất việc hay giảm thu nhập. Chuẩn bị cho những nguy cơ, tình huống phát sinh không mong muốn bằng cách giữ tiền mặt có tính thanh khoản sẽ giúp ích, theo Business Insider.

Mẹo giữ và quản lý tiền mặt trong suy thoái kinh tế

1. Thắt chặt ngân sách

Với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, đây là thời điểm tốt để đánh giá ngân sách của bạn. Tạo một danh sách các ưu tiên để xác định nhu cầu so với mong muốn, giữ tất cả các nhu cầu của bạn trong danh sách và xếp hạng các mong muốn của bạn. Lên kế hoạch chỉ giữ lại 3 đến 5 mong muốn hàng đầu của bạn và cắt giảm phần còn lại.

Giữ những khoản tiền mặt, có tính thanh khoản cao giúp bạn tránh được các tình huống bất ngờ trong thời kỳ kinh tế suy thoái. (Ảnh: The Balance) 

2. Tiết kiệm cho các chi phí có thể dự đoán trước

Ngoài ra, hãy cân nhắc sử dụng phương pháp lập ngân sách dựa trên số 0 - trong đó mỗi đồng tiền bạn kiếm được đều được sử dụng hợp lý cho một mục đích rõ ràng, có ích. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tạo quỹ chìm - các khoản tiết kiệm riêng biệt - cho các chi phí có mức độ ưu tiên cao, có thể dự đoán được. Ví dụ, bảo trì xe hơi, chi phí y tế và các kỳ nghỉ theo kế hoạch.

Đó đều là những chi phí hàng năm mà bạn có thể dự đoán rằng chắc chắn sẽ cần. Tiết kiệm một số tiền được xác định trước mỗi tháng cho các quỹ chìm khác nhau. Bằng cách đó, bạn có thể giảm thiểu nhu cầu sử dụng quỹ khẩn cấp của mình cho nhiều trường hợp.

3. Trả nợ lãi suất cao và xem xét hợp nhất các khoản nợ (nếu có)

Có nợ lãi suất cao sẽ là một gánh nặng đáng kể đối với dòng tiền hiện có của bạn. Cân nhắc sử dụng bất kỳ khoản thu nhập thêm nào để trả khoản nợ lãi suất cao của bạn (thường sẽ là khoản nợ thẻ tín dụng).

Nếu bạn có điểm tín dụng tốt, có thể hợp nhất khoản nợ thẻ tín dụng của bạn thành một khoản vay cá nhân không có bảo đảm (không có tài sản thế chấp). Điều này có thể cung cấp cho bạn một mức lãi suất thấp hơn đáng kể, cho phép bạn trả nợ nhanh hơn. Khi chọn một nhà cung cấp khoản vay cá nhân, đừng quên xem xét bất kỳ khoản phí ban đầu nào được tính cho việc hợp nhất nợ.

4. Chọn một công việc phụ hoặc công việc bán thời gian

Suy thoái kinh tế hay không, nó luôn luôn là một ý tưởng tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập và gia tăng tiền mặt. Thu nhập này có thể giúp bạn đạt được nhiều mục tiêu khác nhau như trả nợ nhanh hơn, xây dựng quỹ khẩn cấp và tạo thêm dòng tiền.

Cân nhắc sử dụng bộ kỹ năng hiện tại của bạn để bắt đầu một công việc phụ như tư vấn, tạo khóa học trực tuyến hoặc viết blog. Hoặc nếu bạn có thêm thời gian, hãy xem xét công việc bán thời gian theo mùa.

5. Tăng cường quỹ khẩn cấp

Một trong những cách quan trọng nhất để chuẩn bị cho suy thoái kinh tế là xây dựng quỹ khẩn cấp “dày dặn”. Thông thường, các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên bạn nên tiết kiệm chi phí từ 3 đến 6 tháng trong quỹ này, nhưng để an toàn hơn thì quỹ khẩn cấp có từ 6 – 12 tháng sinh hoạt phí sẽ tốt hơn. Để xác định số tiền tiết kiệm phù hợp, bạn nên xem xét nhu cầu của gia đình, sự ổn định của công việc và các chi phí cố định.

6. Trì hoãn các khoản mua sắm lớn cần tiêu tiền mặt

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bạn muốn có càng nhiều tiền mặt càng tốt. Nếu không thực sự cần thiết, tốt nhất bạn nên trì hoãn bất kỳ giao dịch mua đắt đỏ nào. Các giao dịch chẳng hạn như ô tô hoặc nhà, thường yêu cầu bạn phải đặt cọc một khoản tiền mặt lớn hoặc có một khoản thanh toán lớn liên tục.

Điều này sẽ làm giảm dòng tiền khả dụng của bạn, khiến bạn gặp rủi ro lớn nếu suy thoái kinh tế xảy ra. Nhận khoản nợ mới trước khi suy thoái là rất rủi ro và cần được tiếp cận một cách thận trọng.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Phương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.