|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: 'Nếu có tư vấn tài chính, sẽ hiếm người hưu trí đầu tư vào TPDN rủi ro cao'

20:42 | 05/01/2023
Chia sẻ
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân, CTCP FIDT cho rằng, nếu có tư vấn tài chính cá nhân sẽ không ai khuyến nghị người hưu trí trên 60 tuổi đầu tư vào các loại TPDN rủi ro cao, không có tài sản đảm bảo,...

Nhận định về thực trạng tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam tại toạ đàm “Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 5/1, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FIDT, cho biết tại Việt Nam gần như chưa có một sản phẩm tư vấn tài chính nào cho người hưu trí, 100% dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân là tư vấn riêng lẻ theo sản phẩm.

Nhắc lại vụ việc trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa qua, ông Huấn cho biết, nếu có tư vấn tài chính cá nhân sẽ không ai khuyến nghị người hưu trí trên 60 tuổi đầu tư vào các loại TPDN rủi ro cao, không có tài sản đảm bảo,...

Ông Huấn lý giải, bởi hoạt động hoạch định tài chính cá nhân giúp giải quyết các mối quan hệ mâu thuẫn giữa người bán sản phẩm tài chính với người mua. Trong đó, nhân viên tư vấn tài chính cá nhân có vai trò đảm bảo lợi ích của chủ nhân tức người mua chứ không phải người bán.

“Họ cung cấp tư vấn trong các ngành: tư vấn độc lập; ngân hàng; chứng khoán; quản lý gia sản; bảo hiểm; tư vấn bất động sản”, ông Huấn nói.

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FIDT (Ảnh: Hạ An).

Giám đốc khối tài chính cá nhân FIDT chỉ ra một thực trạng, nhà đầu tư ở Việt Nam rất chủ quan bỏ ra hàng tỷ đồng mua bất động sản nhưng không chi ra 4 - 5 triệu thuê luật sư thẩm định pháp lý của mảnh đất đó hay không thuê tư vấn cá nhân.

"Nếu có dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, người dân làm sao mắc bẫy các trường hợp hồ sơ góp vốn như Alibaba vừa qua", ông Huấn chỉ ra.

Theo ông Huấn nghề hoạch định tài chính cá nhân sẽ giúp hưu trí chủ động giảm áp lực nên Quỹ Bảo hiểm xã hội và giúp tài chính mỗi gia đình phát triển bền vững. Tuy nhiên, để nghề hoạch định tài chính cá nhân hoạt động hiệu quả, cần bộ tiêu chuẩn cho nghề hoạch định tài chính cá nhân.

“Bộ tiêu chí phải có các tiêu chí như tiêu chuẩn hành nghề, năng lực hành nghề, đào tạo, và đạo đức nghề nghiệp”, ông Huấn nói.

Cũng theo ông Huấn, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ chi trả lương hưu cao nhất thế giới - mức trả tối đa 75%; dự kiến đến 2031 chênh lệch Thu - Chi Quỹ Hưu trí âm 35.962 tỷ đồng theo Báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) (Ảnh: Hạ An).

Còn theo ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), đến thời điểm này, lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển vô cùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB) và các Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên.

"Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, tại Việt Nam, hoạt động hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân đang bắt đầu phát triển và cũng gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua.

“Hàng loạt các vụ việc lừa đảo tài chính, tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng mồi nhử là các khoản lợi nhuận cao để lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, giao dịch quyền chọn nhị phân,… hoặc chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,… đã diễn ra trong thời gian qua”, ông Giang cho biết.

Toạ đàm “Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. (Ảnh: Hạ An).

Bên cạnh nguyên nhân là trình độ dân trí về tài chính còn ở mức thấp, ông Giang nhấn mạnh đến việc hàng loạt cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư vẫn đang hành nghề mà chưa có cơ chế kiểm soát về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Điều đó đã dẫn tới các vụ việc lừa đảo lớn gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân, và doanh nghiệp.

“Đã đến lúc, tất cả chúng ta bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, các đơn vị đào tạo, và các tổ chức cá nhân khác cùng chung tay để thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp này”, ông Giang nói.

Hạ An