|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xu hướng, rủi ro và nhân vật đáng chú ý trên thị trường thế giới 2023: Năng lượng, tài chính, bất động sản, ...

13:28 | 03/01/2023
Chia sẻ
Financial Times đã tổng hợp những xu hướng, rủi ro và nhân vật đáng chú ý trong năm 2023, từ nhiều lĩnh vực như năng lượng, tài chính, bất động sản, công nghệ và tiền mã hóa.

Vào thời điểm này năm ngoái, các doanh nghiệp đang tự hỏi liệu đại dịch COVID có sớm kết thúc hay không. Sau đó vào tháng 2/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, tạo ra những biến động lớn trên thị trường toàn cầu.

Một số ngành đã chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn bởi sự sắp xếp lại của nền kinh tế. Financial Times đã tổng hợp những xu hướng, rủi ro và nhân vật cần theo dõi trong năm tới.

Năng lượng

Xu hướng

2023 có thể sẽ mở ra một thời kỳ mới của năng lượng. Trong ba thập kỷ qua, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, đã được vận chuyển và buôn bán tự do trên toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang một lần nữa chia thị trường thế giới thành hai thái cực đông và tây.

Dòng chảy năng lượng của Nga sang châu Âu giờ đây sẽ được chuyển tới Ấn Độ và Trung Quốc. Mỹ sẽ bán năng lượng cho châu Âu, và Trung Đông sẽ bù đắp phần còn thiếu.

Doanh nghiệp năng lượng hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng hiện nay, cổ phiếu năng lượng vượt trội so với S&P 500.

Rủi ro lớn nhất

Các nhà chức trách phương Tây đang tăng cường quy định về mục tiêu khí hậu và báo cáo khí thải. Vào tháng 3/2022, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đề xuất biện pháp buộc doanh nghiệp tiết lộ lượng khí thải carbon trong báo cáo thường niên.

Theo Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ, từ năm 2024, các doanh nghiệp sẽ bị phạt vì lượng khí thải methane “vượt mức”. Ở châu Âu, Shell đang tiếp tục khiếu nại phán quyết mang tính bước ngoặt về  giảm phát thải.

Nhân vật quan trọng

Ông Wael Sawn sẽ nắm quyền lãnh đạo Shell, công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, thay thế ông Ben van Beurden, người đã có 9 năm trên cương vị Tổng Giám đốc (CEO). Bất cứ thay đổi nhỏ trong cách tiếp cận, hoặc quan điểm của CEO Shell cũng sẽ có tác động lớn đến lĩnh vực năng lượng, bởi quy mô và tầm ảnh hưởng của công ty này.

Bất ngờ lớn nhất

Một bất ngờ có thể xảy ra trong năm 2023 là việc doanh nghiệp dầu khí lớn tăng đáng kể các cam kết khí hậu. Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 cũng làm dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng, tạo cơ hội cho những luận điểm ủng hộ việc tiếp tục đầu tư vào dầu khí trong khi quá trình chuyển đổi diễn ra.

Công nghệ

Xu hướng

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã có một bước nhảy vọt bằng khả năng viết hoặc vẽ tương tự như con người. ChatGPT, AI hội thoại do OpenAI ra mắt vào cuối năm 2022, có thể sẽ thay đổi cách con người làm việc với máy tính. Sự phát triển của AI trong năm 2023 có thể mở rộng sang những lĩnh vực như sản xuất video và âm thanh.

Bức tranh được vẽ bởi DALL-E, một AI do OpenAI phát triển. (Ảnh: OpenAI).

Nhân vật quan trọng

Năm thứ ba liên tiếp, tỷ phú Elon Musk được Financial Times chọn là nhân vật công nghệ đáng chú ý nhất trong năm 2023. 

Ông Musk tuyên bố sẽ từ chức CEO của Twitter khi tìm được người thay thế. Tuy vậy, quyền sở hữu và sự hiện diện của vị tỷ phú này trên Twitter sẽ đảm bảo ông luôn trở thành tâm điểm chú ý.

Tàu vũ trụ Starship thử nghiệm vào năm 2021. (Ảnh: SpaceX).

Tàu vũ trụ Starship khổng lồ có thể sẽ sớm được phóng thử nghiệm, hứa hẹn mở ra kỷ nguyên du hành vũ trụ với chi phí thấp. Sau một năm cổ phiếu sụt giảm 63%, cổ đông Tesla hi vọng rằng sang năm 2023, công ty có thể củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường xe điện đang tăng trưởng nhanh chóng.

Rủi ro lớn nhất

Sự thay đổi trong môi trường tài chính vào năm 2022 đã tác động nặng nề tới lĩnh vực công nghệ. Xu hướng trên sẽ còn phức tạp hơn nếu suy thoái kinh tế xảy ra vào năm 2023.

Nhiều công ty công nghệ đã phải giải quyết hậu quả sau sự bùng nổ trong thời đại dịch, và cắt giảm nhân công, đầu tư. Một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ công nghệ, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sâu hơn nữa và có nguy cơ tạo ra suy thoái trong lĩnh vực này.

Bất ngờ lớn nhất

Quy mô lớn đã khiến những gã khổng lồ công nghệ ngày càng khó quản lý. Với việc các chính phủ tăng cường thắt chặt quản lý, một số doanh nghiệp công nghệ có thể từ bỏ những mảng kinh doanh phụ.

Quỹ đầu tư

Xu hướng

Những gã khổng lồ như Blackstone, CVC hay KKR có thể chờ đợi hàng chục năm để những biến động trên thị trường, chẳng hạn như xung đột Ukraine, qua đi.

Tuy vậy, thời gian đang trở thành kẻ thù của các quỹ đầu tư. Lãi suất tăng vọt khiến chi phí lãi vay của những doanh nghiệp có danh mục đầu tư sử dụng đòn bẩy cũng lên theo. Thị trường vốn đóng băng đang tạo vấn đề thanh khoản. Định giá tài sản cũng có thể sắp sụt giảm sau những cuộc kiểm toán cuối năm.

Rủi ro lớn nhất

Ông Jonathan Kanter, người đứng đầu đơn vị chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, đang dẫn đầu một cuộc cải cách sâu rộng nhằm vào các quỹ đầu tư tư nhân.

Cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông đã khiến các nhà giao dịch phải suy nghĩ lại về hoạt động sáp nhập, và buộc một số giám đốc điều hành cùng lúc nắm cổ phần tại nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ ghế trong hội đồng quản trị.

Nhân vật quan trọng 

Ông Orlando Bravo, tỷ phú đồng sáng lập Thoma Bravo, nổi bật với khả năng huy động vốn và đầu tư nhanh chóng. Trong khoảng hai năm, công ty của ông đã huy động được hơn 55 tỷ USD và mua lại hơn 10 công ty công nghệ đại chúng.

Giờ đây, ông sẽ phải chứng minh rằng mình đã không trả quá nhiều tiền cho các vụ thâu tóm, bởi lãi suất tăng ảnh hưởng đến định giá của doanh nghiệp, và chi phí tài chính cao đang ăn vào dòng tiền.

Bất ngờ lớn nhất

Các quỹ tài sản lớn như BlackRock có thể sẽ bắt đầu mua lại doanh nghiệp khi thị trường sụt giảm. 

Bất động sản thương mại

Xu hướng

Câu hỏi mà các nhà đầu tư đặt ra trong năm 2023 là: Thị trường sẽ giảm xuống mức nào trước khi đạt đến điểm cân bằng mới?

Thị trường đang điều chỉnh lại khi kỷ nguyên tiền rẻ, vốn từng thu hút nhiều nhà đầu tư mới đến thị trường kể từ cuộc khủng hoảng 2008, đã đi đến hồi kết.

Chi phí đi vay cao hơn, lạm phát và nguy cơ suy thoái sẽ đẩy nhiều chủ đất đến tình cảnh khó khăn vào năm 2023, và bắt đầu phải bán nhà để đảo nợ vào nửa đầu của năm.

Nhân vật quan trọng

Ông Sandeep Mathrani đã nắm quyền tại WeWork vào năm 2020 với một lời hứa: giúp công ty đạt lợi nhuận. Tuy vậy, từ thời điểm đó đến nay, WeWork vẫn tiếp tục thua lỗ.

Khả năng mang lại lợi nhuận cho WeWork của ông Mathrani vào năm 2023 sẽ là báo hiệu về tình hình của các doanh nghiệp nợ nần chồng chất sẽ phát triển thế nào trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Rủi ro lớn nhất

Vào năm 2022, cụm từ “tài sản kẹt” hay “văn phòng thây ma” đã trở nên nổi tiếng với các công ty môi giới và nhà đầu tư. Hai cụm từ này mô tả tình trạng nơi làm việc cũ sẽ không đáp ứng đủ các quy định môi trường đang được triển khai.

Chủ đất sẽ phải sửa sang bất động sản để đáp ứng yêu cầu mới và thu hút người thuê nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chủ đất sẽ gặp nhiều thách thức. 

 

Bất ngờ lớn nhất

Các chủ văn phòng có thể phải đối mặt với tình hình như trong đại dịch COVID. Trong suốt thời gian phong tỏa, các chủ văn phòng vẫn khẳng định rằng nhân viên và doanh nghiệp sẽ quay trở lại nếu có cơ hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy hiện nay tại Anh chỉ còn bằng một nửa so với trước đại dịch. Tỷ lệ này tại Mỹ cũng vẫn thấp. 

Tiền mã hóa

Xu hướng

Sau sự sụp đổ của thị trường vào mùa hè, nền công nghiệp tiền mã hóa lại tiếp tục bị đảo lộn bởi việc sàn giao dịch FTX phá sản. Vụ phá sản cho thấy thị trường tiền mã hóa đang có mức độ tập trung hóa cao, trái ngược với tôn chỉ rằng tính phi tập trung là nền tảng và sức mạnh.

Ngành công nghiệp tiền mã hóa đã mất đi một loạt các doanh nghiệp nổi tiếng năm ngoái và câu hỏi về tính phi tập trung có thể sẽ xuất hiện trở lại vào năm 2023.

Nhân vật quan trọng

Nhà quản lý quỹ Cathie Wood. (Ảnh: Wall Street Journal).

Sự sụp đổ của Sam Bankman-Fried khiến ngành công nghiệp phải tìm một biểu tượng mới. CEO của Ark Invest, bà Cathie Wood có thể trở thành người tiên phong của tiền mã hóa vào năm 2023. 

Công ty bà đã mất 50 tỷ USD so với mức đỉnh vào hồi 2021. Tuy vậy, bà vẫn tin tưởng rằng bitcoin sẽ đạt định giá 1 triệu USD vào năm 2030.

Rủi ro lớn nhất

Sau sự sụp đổ của FTX, các sàn giao dịch đang bị người dùng và cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ. Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới, đã tuyên bố nắm giữ 60 tỷ USD tài sản, đủ để đáp ứng nhu cầu rút tiền.

Tuy nhiên, công ty không tiết lộ đầy đủ thông tin, gây khó khăn cho việc xác định tình hình tài chính. Trong một thị trường tràn đầy sự lo lắng, tính ổn định của các doanh nghiệp như Binance vẫn là mối lo lớn nhất đối với nhà quản lý và người tiêu dùng.

Bất ngờ lớn nhất

Trước khi trở thành Chủ tịch của SEC, ông Gary Gensler đã giành được sự yêu mến của ngành công nghiệp tiền mã hóa khi giảng dạy một khóa học về công nghệ chuỗi khối (blockchain) tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Tuy vậy, lập trường quản lý cứng rắn của ông đối với tiền mã hóa đã làm mất đi sự ủng hộ này. Financial Times cho rằng sẽ thật bất ngờ nếu ngành công nghiệp tiền mã hóa lại ủng hộ ông Gensler một lần nữa.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.