|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những trụ đỡ tiềm năng cho nền kinh tế toàn cầu năm 2023

20:00 | 02/01/2023
Chia sẻ
Khả năng các ngân hàng trung ương lớn thành công khống chế lạm phát, Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và chiến sự tại Ukraine đi đến hồi kết sẽ là ba trụ đỡ tiềm năng cho tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay.

Đâu là những trụ đỡ tiềm năng cho nền kinh tế toàn cầu năm 2023? (Ảnh minh hoạ: Financial Times/Bloomberg, Getty Images).

Các NHTW thành công khống chế lạm phát

Sau những nhận định sai lầm về áp lực giá cả vào năm 2021, trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã triển khai chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong hàng chục năm để khống chế lạm phát.

Tổng cộng, từ tháng 3 đến nay, Fed đã tăng lãi suất 7 lần, đưa chi phí đi vay chuẩn tại Mỹ lên phạm vi 4,25 - 4,5%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Các quan chức dự đoán sang năm 2023, lãi suất chuẩn sẽ nằm trong khoảng 5 - 5,25%.

Hiện tại, các nhà kinh tế đã nhìn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ áp lực giá đang giảm dần, có thể giúp Fed điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất hoặc đảo chiều chính sách trong năm tới.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đã hạ nhiệt trong tháng 11, cũng là tháng thứ hai liên tiếp trong năm nay ghi nhận xu hướng này.

So với tháng trước, PCEPI chỉ nhích 0,1% - giảm so với mức tăng 0,4% của tháng 10. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, PCEPI tăng 5,5% - thấp hơn con số 6,1% hồi tháng 10.

Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng đã chững lại trong tháng 11. Kể từ khi chạm mức cao 9,1% vào tháng 6, thước đo lạm phát này đã tăng chậm lại trong liên tiếp 5 tháng. So với cùng kỳ năm 2021, CPI chỉ tăng 7,1% vào tháng 11.

 

Các dấu hiệu khác cũng xuất hiện trên thị trường nhà ở - một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất với việc lãi suất chuẩn gia tăng.

Theo chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller, giá nhà tại Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 9. Giá nhà đi xuống ở toàn bộ 20 thành phố mà chỉ số này theo dõi, trong đó San Francisco, Seatle và các thành phố ở Bờ Tây tụt mạnh nhất.

Freddie Mac ước tính 15 triệu người mua nhà tiềm năng đã biến mất khỏi thị trường trong năm 2022 bời vì lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, lãi suất đi vay thế chấp 30 năm đã tăng hơn hai lần từ mức 3% lên hơn 6%.

Khảo sát do Đại học Michigan công bố hồi cuối tháng 12 cho thấy triển vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ cho năm tới đã xuống mức thấp nhất trong 18 tháng. Theo đó, kỳ vọng lạm phát một năm tới đã hạ từ mức 4,6% xuống 4,4% và kỳ vọng 5 năm cũng giảm từ 3% xuống 2,9%.

Trên toàn cầu, để đẩy lùi lạm phát, các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn - ngoại trừ Nhật Bản - cũng đều đã tăng lãi suất với quy mô lớn nhất trong ít nhất hai thập kỷ.

Theo tính toán của Reuters, các NHTW giám sát 10 đồng tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới đã tăng lãi suất 54 lần trong 12 tháng qua, tổng cộng nâng 2.740 điểm cơ bản.

Các gói chi tiêu tại một số khu vực như châu Âu cũng giúp bù đắp việc chi phí năng lượng leo thang sau khi Nga tấn công Ukraine, góp phần giúp làm dịu áp lực lạm phát.

 

Nhờ đó, lạm phát toàn cầu cũng có dấu hiệu giảm như tại Mỹ. Chẳng hạn, lạm phát tiêu dùng ở khu vực Eurozone vẫn ở mức hai chữ số nhưng đã hạ từ mức 10,6% hồi tháng 10 xuống 10,1% vào tháng 11. Tương tự, lạm phát tại Anh cũng chững lại từ mức 11,1% hồi tháng 10 xuống 10,1% vào tháng 11.

Song, có một số biến số mà thị trường cần lưu ý. Lạm phát có thể đang lan sang lĩnh vực dịch vụ, khi người tiêu dùng chuyển từ chi tiêu cho hàng hoá sang việc giải trí và du lịch. Đồng thời, dưới áp lực tăng trưởng tiền lương, doanh nghiệp cũng đang nâng giá bán để bù đắp chi phí lao động.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định Mỹ và châu Âu có thể sẽ suy thoái vào năm 2023. Dù hoạt động kinh tế chậm lại sẽ giúp ích cho cuộc chiến chống lạm phát của các NHTW, hậu quả mà suy thoái để lại vẫn sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, tin tốt là nền kinh tế Mỹ có cơ sở để phục hồi nhanh chóng. Ông Mark Zandy, kinh tế trưởng của Moody’s Anaylytics, nhấn mạnh rằng bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và thị trường việc làm của Mỹ vẫn tương đối vững mạnh.

Vị chuyên gia còn nhận định rằng nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ phản ứng tích cực hơn nếu Fed hạ lãi suất vào cuối năm 2023, khi lạm phát đã đi xuống đáng kể.

Hơn nữa, tác động của chính sách tiền tệ thường có độ trễ. Vì vậy, các nhà kinh tế không loại trừ khả năng lạm phát thực sự đã đạt đỉnh và đang nhanh chóng hạ nhiệt, chỉ là xu hướng này chưa được thể hiện vào dữ liệu chính thức.

Một dữ kiện tích cực nữa là các nhà hoạch định chính sách vẫn đang nâng cao cảnh giác trước lạm phát, sau khi đã mắc sai lầm vào năm 2021.

Giữa tháng 12, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đều thận trọng rằng họ hoan nghênh các dữ liệu lạm phát gần đây, nhưng các NHTW vẫn cần “thêm bằng chứng xác định” để tự tin rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững.

Trung Quốc mở cửa

Cuối tháng 12, chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023 - đánh dấu một chuyển biến mới cho đất nước đã đóng cửa trong suốt gần ba năm qua.

Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng tuyên bố một loạt chính sách mới, nới lỏng hầu hết biện pháp kiểm dịch trong nước. Các động thái trên chứng tỏ Bắc Kinh đang muốn quản lý COVID-19 như một căn bệnh thông thường.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chững lại đáng kể trong năm 2022 khi các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng. Cú sốc trên thị trường bất động sản cũng đè nặng lên triển vọng kinh tế.

Giờ đây, chính phủ đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẽ tập trung củng cố tăng trưởng, dù trong tương lai gần, nước này sẽ phải gắng sức khống chế đợt bùng phát mạnh sau khi nới lỏng Zero COVID.

Cùng với những tín hiệu mở cửa, trong năm vừa qua, Bắc Kinh đã tung ra một loạt gói tài khoá để xoa dịu thiệt hại của chính sách chống dịch hà khắc và sự lao dốc của thị trường nhà đất.

Hai gói chi tiêu mà chính phủ công bố vào tháng 8 và tháng 11 (với tổng giá trị hơn 1. 000 tỷ nhân dân tệ) cùng các biện pháp nới lỏng tiền tệ hồi đầu tháng 12 từ NHTW có thể tạo đà để Trung Quốc tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2023.

 

Các nhà phân tích từ Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bloomberg Economics dự đoán rằng chặng đường mở cửa của Trung Quốc sẽ tương đối gập ghềnh ở giai đoạn đầu năm 2023, nhưng càng về sau sẽ càng suôn sẻ.

World Bank ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 có thể đạt 4,5%. OECD thì lưu ý rằng “các hỗ trợ chính sách từ Bắc Kinh có thể giúp tăng trưởng phục hồi trong năm 2023”.

Thậm chí, tương tự giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009, Trung Quốc năm nay có thể sẽ chống đỡ cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn ở phương Tây có nguy cơ rơi vào suy thoái.

IMF ước tính đóng góp của Trung Quốc vào việc tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ cao hơn ba lần so với Mỹ. Dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, IMF dự đoán nước này sẽ chỉ tăng trưởng 1%. Khu vực EU dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 0,5%.

Điểm sáng hàng đầu là Ấn Độ gần như không thể bù đắp cho cú suy giảm tốc độ kinh tế của phương Tây. Do đó, IMF đặt hy vọng rất lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.

 

Chiến sự tại Ukraine chấm dứt

Kể từ khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine vào ngày 24/2/2022, triển vọng an ninh và kinh tế của châu Âu trong ngắn hạn đều bị đảo lộn.

Hiện tại, Nga đang tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine. Ở chiều ngược lại, Ukraine đang đẩy mạnh phản công ở miền nam và miền đông, sau khi giành lại một phần lãnh thổ quanh thành phố Kherson.

Chiến sự rơi vào bế tắc một mặt là do Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi hoàn thành tất cả các mục tiêu của mình và nước này sẽ không từ bỏ các phần lãnh thổ mà họ đã giành được.

Một phần khác do là Kiev khẳng định sẽ không ngơi nghỉ nếu quân đội Nga chưa rút khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả vùng Donbass và bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm đóng trước đó.

 

Tuy giao tranh vẫn đang diễn ra, chính phủ các nước đang ngày càng kêu gọi hai bên ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp trên bàn đàm phán. Moscow và Kiev cũng thể hiện một số tín hiệu về khả năng này.

Đầu tháng 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẵn sàng đám phán nếu Moscow đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Các điều kiện này bao gồm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine; tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc; bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Ukraine; trừng phạt các tội phạm chiến tranh và đảm bảo xung đột sẽ không tái diễn.

Sau đó, vào ngày 25/12, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ rằng Moscow sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến.

Ông Putin cho hay: “Chúng  tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhưng điều đó tuỳ thuộc vào họ - chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính là họ”.

Tiếp đến, vào ngày 26/12, NPR đưa tin Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chính phủ của ông đang muốn tổ chức một cuộc đàm phán hoà bình vào cuối tháng 12. Cuộc gặp tốt nhất nên diễn ra tại Liên Hợp Quốc, với Tổng thư ký António Guterres làm người trung gian hoà giải, ông Kuleba thông tin.

Nếu Nga và Ukraine nghiêm túc về vấn đề đàm phán và nhượng bộ nhau, có thể hai nước sẽ đạt được một thoả thuận ngừng bắn.

Điều này mở ra một triển vọng sáng hơn cho cuộc xung đột và giảm bớt tác động lên nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023, dù kịch bản này có ít khả năng xảy ra hơn.

Yên Khê