5 kịch bản khó lường có thể đe dọa các thị trường toàn cầu năm 2023
Đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, 2022 là năm tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ. Còn đối với thị trường trái phiếu, 2022 đem đến sự náo động chưa từng thấy trong thế kỷ 21. Hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư rất cảnh giác trước những bất ngờ có thể xảy ra trong năm 2023.
Những người lạc quan đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, Trung Quốc mở cửatrở lại hoàn toàn và xung đột ở châu Âu lắng xuống. Nhưng những người khác thì đang đề phòng những rủi ro có thể khiến thị trường trở lại tình trạng hỗn loạn.
Dưới đây là 5 kịch bản có thể gây ra rắc rối cho nhà đầu tư trong năm 2023, theo tờ Bloomberg:
Lạm phát bám rễ
Ông Matthew McLennan, trưởng bộ phận định giá toàn cầu tại First Eagle Investment Management, cho biết: “Thị trường trái phiếu đang kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát được lạm phát trong 12 tháng tới”.
Nhưng sự kỳ vọng này có thể là sai lầm lớn. Ông McLennan cho rằng rủi ro tăng trưởng tiền lương và áp lực từ phía nguồn cung như chi phí năng lượng tăng cao sẽ tiếp tục kéo lạm phát giá tiêu dùng đi lên.
Nếu rủi ro trên trở thành hiện thực, viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất vào giữa năm sau mà thị trường mong đợi sẽ bị xóa sổ.
Tác động: Cổ phiếu và trái phiếu có thể sẽ tiếp tục mất giá, đồng USD mạnh lên và các thị trường mới nổi tiếp tục đi xuống. Ngoài ra còn có câu hỏi về nguy cơ chi phí vay nợ gia tăng gây ra suy thoái và tác động đến các nhà đầu tư.
Ông McLennan lo ngại: “Fed đã không tiên liệu được lạm phát và có thể lần này họ cũng không nhìn thấy tai nạn tài chính sắp xảy ra. Rất có thể Fed đang đánh giá thấp rủi ro của thảm họa tài chính”.
Bệnh dịch ở Trung Quốc
Chứng khoán Trung Quốc đã bật tăng 35% kể từ đáy tháng 10 dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn.
Đi ngược với sự lạc quan này là nguy cơ hệ thống y tế của Trung Quốc bị quá tải khi số ca nhiễm tăng vọt và hoạt động kinh tế suy sụp. Hình ảnh người dân chen chúc trong bệnh viện đã làm dấy lên cảnh báo trong những tuần vừa rồi. Tại các thành phố lớn, người dân tránh phải ra đường vì sợ lây COVID-19.
Bà Marcella Chow, chuyên gia chứng khoán toàn cầu của JPMorgan Chase, dự đoán: “Số ca nhiễm của Trung Quốc sẽ gia tăng và đạt đỉnh trong một hoặc hai tháng sau dịp Tết Nguyên dán”.
Bà kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa kinh tế thành công nhưng vẫn cảnh báo về “rủi ro tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu”.
Theo tờ Bloomberg, cuộc phục hồi của chứng khoán Trung Quốc vẫn còn rất bấp bênh. Bất kỳ sự kiện nào có nguy cơ khiến hoạt động kinh tế đi xuống cũng sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là kim loại công nghiệp và quặng sắt.
Xung đột Nga-Ukraine
Ông John Vail, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Nikko Asset Management, nhận định: “Nếu cuộc chiến Nga-Ukraine xấu đi, nếu NATO tham gia trực tiếp hơn vào căng thẳng này và phương Tây tăng cường trừng phạt Nga, thì tình hình sẽ trở nên tiêu cực đối với thị trường”.
Các lệnh trừng phạt thứ cấp nhắm vào đối tác của Nga, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ khuếch đại tác động của các hạn chế hiện tại lên nền kinh tế toàn cầu vào đúng thời điểm nguy ngập.
Ông Vail nói tiếp: “Kịch bản đó sẽ tạo ra cú sốc nguồn cung lớn trên toàn thế giới về thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng khác như phân bón, một số loại hóa chất và kim loại”.
Kịch bản đáng sợ hơn là Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nếu điều này xảy ra, hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine có thể chấm dứt ngay lập tức.
Thị trường mới nổi suy sụp
Nhiều nhà đầu tư dự kiến sức mạnh của đồng USD sẽ giảm bớt và chi phí năng lượng sẽ đi xuống trong năm 2023. Hai yếu tố này sẽ làm giảm áp lực lên các thị trường mới nổi.
Thất bại trong việc kiềm chế lạm phát sẽ khiến thị trường tiền tệ rẽ sang một hướng khác. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukarine chỉ là một trong nhiều lý do có thể khiến giá năng lượng phi mã trở lại.
Ông shane Oliver, Giám đốc chiến lược đầu tư và kinh tế của AMP Services, cảnh báo: “Các thị trường mới nổi có thể sẽ tiếp tục trải qua một năm lận đận. Nếu giá USD không đi xuống thì các thị trường mới nổi sẽ gặp bất lợi vì những nước này đã vay nợ rất nhiều bằng USD”.
COVID-19 bùng phát trở lại
Sự xuất hiện của biến chủng mới dễ lây lan hoặc nguy hiểm hơn trước có thể sẽ làm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, thúc đẩy lạm phát và cản trở hoạt động kinh tế. Các biến chủng hiện tại tồn tại lâu hơn nữa cũng sẽ gây ra nguy cơ tương tự.
Chuyên gia Chow của JPMorgan cho biết: “Chúng tôi tin rằng ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô tiêu cực tới tăng trưởng sẽ thể hiện rõ nhất tại các nền kinh tế lớn và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại”.
Hiện tại, bà Chow kỳ vọng rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục lắng dịu và dự kiến các diễn biến tiêu cực trên thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào việc nhà đầu đánh giá khả năng suy thoái của Mỹ và châu Âu.