|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bất chấp sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán trong năm 2022, tương lai ngành công nghệ đang tươi sáng

20:10 | 01/01/2023
Chia sẻ
Lĩnh vực công nghệ đã có một năm đáng quên khi đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, những tiến bộ vượt bậc gần đây khiến tương lai của công nghệ trở nên thực sự rộng mở.

Tất cả con số đều chỉ ra 2022 là một trong những năm tồi tệ nhất đối với lĩnh vực công nghệ trong thập kỷ qua.

Khủng hoảng chứng khoán, sụp đổ tiền mã hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng, đóng băng hoạt động tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và những vụ tấn công mạng khiến 2022 trở thành một năm đáng quên. Tuy vậy, một số đột phá quan trọng đã xuất hiện để tạo tiền đề cho một năm mới tươi sáng hơn.

Vào thời điểm chuyển giao năm mới, chỉ số Nasdaq Composite với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ lớn, đã có đợt sụt giảm sâu nhất trong ít nhất 14 năm. Các chỉ số khác, bao gồm S&P 500 và MSCI World có kết quả tốt hơn, nhưng vẫn khiến các nhà đầu tư chịu khoản lỗ lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ.

 

Nạn nhân lớn nhất trong năm nay phải kể đến lĩnh vực tiền mã hóa. Không chỉ khách hàng của những công ty môi giới như FTX và Voyager, đồng tiền ổn định TerraLuna chịu thiệt hại, mà cả Bitcoin, trung tâm của thị trường, cũng mất khoản 2/3 giá trị.

Tình trạng hỗn loạn trên có liên quan đến lãi suất tăng, nền kinh tế toàn cầu chậm lại và tình trạng trì trệ sau COVID. Các công ty có tên tuổi lớn như Google hay Meta (Facebook) đã phải cắt giảm nhân sự, trong khi các công ty khởi nghiệp có thể phải nộp đơn phá sản.

Tuy vậy, theo Bloomberg, 2022 vẫn là một điểm sáng đối với ngành công nghệ. 

Bảo mật hơn nhờ máy tính lượng tử

Trong thập kỷ tới, một công nghệ điện toán lượng tử sẽ trở nên khả thi. Thay vì thực hiện các phép tính theo đơn vị nhị phân, những hệ thống máy tính mới sẽ hoạt động với những khối dữ liệu phức tạp hơn, gọi là bit lượng tử (qubit).

Một chiếc máy tính lượng tử của IBM. (Ảnh: CNET).

Các nhà khoa học máy tính đã rất hào hứng với khả năng tạo ra những cỗ máy mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bảo mật đang lo lắng vì máy tính mạnh lên đồng nghĩa với các phương pháp mã hóa có thể bị phá vỡ. Mọi thông tin được lưu trữ ngày nay, từ mật khẩu đến số thẻ tín dụng có thể được giải mã bằng máy tính lượng tử trong tương lai.

Vào tháng 7, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ đã công bố 4 thuật toán “được thiết kế để chống lại sự tấn công của máy tính lượng tử trong tương lai”. Nếu không có những biện pháp này, các công ty tài chính hay internet sẽ không thể đảm bảo sự bảo mật hệ thống. Giờ đây, những doanh nghiệp này đã có thể mạnh dạn hướng tới tương lai.

Máy móc có thể trò chuyện và vẽ

Một số hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) đã thu hút được sự chú ý vào năm 2022 nhờ những năng lực giống con người. ChatGPT đã có thể trả lời câu hỏi, làm thơ hay lập trình.

Một bức ảnh được AI DALL-E của OpenAI vẽ chỉ dựa trên một số từ khóa. (Ảnh: OpenAI).

DALL-E có thể vẽ ra những bức tranh như một nghệ sĩ chuyên nghiệp với chỉ vài từ khóa. Bạn có thể vừa sợ hãi, vừa phấn khích trước sự tiến bộ này. Sinh viên đại học có thể sử dụng những nền tảng này để viết luận văn, trong khi những bức tranh được vẽ bằng AI có thể khiến nhiều họa sĩ mất việc.

Nhưng con người không thể ngừng tiến bộ. Vì vậy, thách thức phía trước sẽ là làm thế nào để định hướng AI phục vụ cho lợi ích của con người, tránh những tác động tiêu cực.

Cơ hội từ khủng hoảng tiền mã hóa

Vào năm 2022, nhà đầu tư tiền mã hóa đã mất một lượng lớn tài sản. Tuy vậy, khủng hoảng tiền mã hóa năm nay có những nét tương đồng kỳ lạ với vụ phá sản dot-com hai thập kỷ trước, vốn mở đường cho một kỷ nguyên mới, thực sự cải thiện cuộc sống cho hàng tỷ người trên khắp thế giới.

Sự sụp đổ của tiền mã hóa năm 2022 sẽ là cơ hội để các doanh nhân tập trung vào doanh nghiệp có giá trị thực tế, thay vì sưu tầm những tấm hình JPEG (NFT) hay tham gia vào trò bơm và xả (pump and dump) .

Nếu chúng ta thật sự may mắn, các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ ngừng đổ tiền cho những kẻ lừa đảo, và chuyển sự chú ý sang những dự án đáng giá hơn.

Định hình lại hoạt động sản xuất

Sau nhiều năm phụ thuộc vào một quốc gia cho phần lớn các thiết bị công nghệ của mình, thế giới buộc phải suy nghĩ lại khi đối mặt với một loạt biến cố, bao gồm đại dịch COVID, gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị.

Apple đang xem xét tìm nơi sản xuất ngoài Trung Quốc. Một tỷ lệ ngày càng lớn các sản phẩm của Apple sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, Việt Nam, châu Âu và có thể là cả Bắc Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp từ các ngành điện tử tới ô tô, sẽ mở rộng cơ sở sản xuất. Mục đích của việc đa dạng hóa không phải là làm tổn thương Trung Quốc, mà nhằm giúp chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn.

Bloomberg cho rằng thật dễ để nhìn lại một năm 2022 đầy khó khăn và cảm thấy buồn chán. Tuy vậy, những ngày khó khăn có thể đã qua, và thời kỳ tiến bộ mới đang chờ đợi ngành công nghệ.

Minh Quang