|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

HSBC: Tầng lớp trung lưu đang phân bổ 32% danh mục vào tiền mặt, sẵn sàng chuyển đổi sang lớp tài sản khác

11:14 | 03/10/2024
Chia sẻ
Theo HSBC, những người có ý định cân bằng lại danh mục đầu tư trong 12 tháng tới (chiếm 39% số người tham gia khảo sát) dự kiến sẽ đầu tư tới 54% khoản tiền này cho những lớp tài sản khác.

(Ảnh minh họa: iStock).

Khảo sát Chất lượng Cuộc sống năm 2024 của HSBC cho thấy tầng lớp trung lưu toàn cầu đang phân bổ gần 32% danh mục đầu tư vào tiền mặt. Những người có ý định cân bằng lại danh mục đầu tư trong 12 tháng tới (chiếm 39% số người tham gia khảo sát) dự kiến sẽ đầu tư tới 54% khoản tiền này cho những lớp tài sản khác.

Ngoài ra, thế hệ trẻ cũng sẵn sàng chuyển nhiều tiền mặt sang các khoản đầu tư khác hơn thế hệ già. Đồng thời, Trung Quốc, Anh và Mỹ sẽ là ba thị trường sẵn sàng chuyển đổi danh mục đầu tư nhất, báo cáo của HSBC cho biết. 

Nghiên cứu của HSBC được thực hiện với sự tham gia của hơn 11.000 người thuộc tầng lớp trung lưu tại 11 thị trường trên thế giới, bao gồm: Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Singapore, đảo Đài Loan, UAE, Anh và Mỹ. 

Bình quân thế hệ Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) và Millennials (từ 1981 đến 1996) bắt đầu đầu tư sớm hơn Baby Boomers (từ 1946 đến 1964) lên đến một thập kỷ. Đồng thời, Gen Z và Millennials có tỷ lệ thu nhập đem đi đầu tư cao hơn (27%) cũng như theo dõi danh mục đầu tư thường xuyên hơn.

Báo cáo cũng cho biết 34% nhà đầu tư trung lưu ở các trung tâm quản lý tài sản quốc tế chính có kế hoạch đầu tư nhiều hơn ở ngoài thị trường trong nước. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc đại lục là hai điểm đến hàng đầu.

Về kế hoạch kế thừa di sản, phần lớn tầng lớp trung lưu (79%) tin rằng lên kế hoạch từ sớm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lại di sản. Tuy nhiên, chưa đầy 40% tầng lớp trung lưu lập di chúc hoặc lên kế hoạch kế thừa.

Tầng lớp trung lưu ở châu Á (33%) ít lập di chúc hoặc lên kế hoạch kế thừa so với các khu vực khác (43%). Tuy nhiên, Malaysia (47%) lại là thị trường dẫn đầu trong vấn đề này.

Khoảng một phần ba thế hệ Baby Boomers (35%) thừa nhận nhu cầu phải bắt đầu lập kế hoạch nhưng lại chưa thực sự bắt tay vào làm việc đó, cho thấy có khoảng cách từ ý định tới hành động. Nguyên nhân là bởi nhiều người tham gia khảo sát muốn bắt đầu chuyển giao từ khi còn sống hơn so với sau khi đã khuất (45% so với 37%).

Về bảo hiểm sức khỏe, báo cáo cho thấy 38% tầng lớp trung lưu trên thế giới cho biết có bảo hiểm đủ để bảo vệ là một mục tiêu tài chính hàng đầu, tăng lên so với mức 31% trong năm 2023, nhưng 23% vẫn chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe. Ở Hong Kong, con số này lên đến 29% trong khi Indonesia chỉ là 9%.

Ở châu Á, cứ bốn người thuộc thế hệ Gen X (từ 1965 đến 1980) lại có một người chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe, tỷ lệ này ở Gen Z và Millennials là 1/5.

Về kế hoạch nghỉ hưu, 42% người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á không cảm thấy sẵn sàng để nghỉ hưu. Trong đó, nhóm này ở Hong Kong (chiếm 47%), Trung Quốc đại lục (55%) và Đài Loan (51%) cảm thấy ít sẵn sàng hơn so với các thị trường khác.

So với các thế hệ khác, nhóm Gen X ít khả năng có một kế hoạch nghỉ hưu toàn diện, còn đối với nhóm Baby Boomers, ba trên mười người vẫn chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm và hơn một phần tư chưa có kế hoạch trong tay.

Nếu tính riêng thị trường châu Á, những người tham gia khảo sát chú trọng đến “tích lũy tài sản để ổn định tài chính” (46%) và “lập kế hoạch nghỉ hưu” (43%) là hai mục tiêu tài chính hàng đầu, theo sát sau đó là “có bảo hiểm đủ để bảo vệ” (41%).

Minh Quang