Nên trả nợ trước hay tiếp tục dùng tiền kiếm được tái đầu tư?
Sự kiện Twitter Spaces gần đây có tựa đề "Cách đầu tư và tạo dựng sự giàu có khi bạn mắc nợ" là một phần của loạt bài Master Your Money của Business Insider đã diễn ra cực kỳ thành công với sự ủng hộ của nhiều khán giả.
Các chuyên gia Mandi Woodruff-Santos, đồng chủ trì podcast Brown Ambition và Kevin Matthews II, người sáng lập BuildingBread, đã phân tích các lựa chọn khác nhau để quản lý nợ và những cách tốt nhất để bắt đầu đầu tư.
Làm sao để vừa trả nợ vừa đầu tư cùng một thời điểm?
1. Biết rõ số tiền bạn mang về mỗi tháng
Hơn ai hết, bạn cần biết tình hình tài chính của mình như thế nào trước khi bắt đầu lập ngân sách. "Bước đầu tiên để có một ngân sách vững chắc cho phép bạn đầu tư và trả bớt nợ nần là bắt đầu với số tiền bạn thực sự có và những gì còn lại", bà Woodruff-Santos nói trong sự kiện này.
"Bạn có thể đặt số tiền mình có cho các mục tiêu khác nhau như trả bớt nợ, sinh hoạt và bắt đầu đầu tư", bà nói thêm.
Bà nhấn mạnh rằng lập và duy trì ngân sách không phải là hoàn toàn hạn chế hoặc ngăn cản mọi người làm những điều họ muốn, thay vào đó, mọi người hãy nghĩ về ngân sách như một kế hoạch cho phép họ làm những gì mình thực sự coi trọng và có ổn định về lâu dài.
Nếu trong quá trình lập ngân sách, bạn nhận thấy không còn đủ tiền để đạt được mục tiêu đầu tư hay trả nợ thì tốt nhất, hãy chuyển sang xem xét việc cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thu nhập.
Về phần mình, ông Matthews đã đưa ra một cách tiếp cận có cấu trúc để lập ngân sách: "Hãy cố gắng đạt được quy tắc 50/30/20 càng gần càng tốt. 50% chi phí của bạn sẽ bao gồm các hóa đơn, trả nợ của bạn, tiền thuê nhà. 30% là để bạn tận hưởng còn 20% cuối cùng là để tiết kiệm và đầu tư".
2. Trả nợ ít hơn để có thêm tiền cho các khoản đầu tư
Nếu bạn muốn giải phóng tiền để đóng góp nhiều hơn vào các khoản đầu tư sinh lời, xây dựng sự giàu có cho tương lai thì bạn có thể cân nhắc giảm tỷ lệ trả nợ của mình mỗi tháng - chỉ cần đảm bảo cân nhắc ưu và nhược điểm trước khi làm như vậy.
Matthews nói: "Đó chắc chắn có thể là một ý tưởng hay. Tôi muốn nhấn mạnh là 'có thể' bởi vì nó không hoàn toàn chắc chắn 100%. Có những trường hợp nó có thể có hiệu quả nhưng bạn phải thực sự muốn cẩn thận về khoản nợ mà bạn quyết định trả chậm lại".
Vấn đề ở đây là nếu bạn trả nợ chậm lại thì rủi ro tài chính cũng tăng vì rất có thể, số tiền lãi tích lũy hàng tháng cao hơn hẳn lợi nhuận bạn kiếm được từ việc đầu tư.
3. Đừng suy nghĩ quá nhiều về cách tốt nhất để đầu tư - chỉ cần bắt đầu ngay lập tức
Có nhiều cách để xây dựng sự giàu có trong khi trả bớt nợ. Bạn có thể tận dụng các tùy chọn như ứng dụng đầu tư tự động, công ty môi giới trực tuyến, công ty tư vấn tài chính và các kế hoạch khác bạn cảm thấy hứng thú và có hiểu biết.
Mặc dù số lượng các lựa chọn đầu tư có vẻ quá nhiều, nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn hành động. "Đừng suy nghĩ quá nhiều, bạn chỉ cần bắt đầu mà thôi", Woodruff-Santos nói.
Mặc dù bắt đầu đầu tư mà không cân nhắc nhiều vốn là việc không được nhiều chuyên gia khuyến khích, tuy nhiên, Matthews cho biết chìa khóa của việc đầu tư là tính nhất quán, bất kể bạn bắt đầu với 50 USD hay 100 USD thì nó vẫn sẽ tăng dần theo thời gian.
Bắt đầu ở đâu đó và mở rộng quy mô dần dần là đủ. Nhiều người bắt đầu với các khoản đầu tư cơ bản thay vì ngay lập tức bơm tiền vào chứng khoán hay bất động sản. Matthews nói: "Hãy làm những gì dễ dàng. Hãy tiếp cận những gì đang ở ngay trước mặt bạn".
4. Hãy cẩn thận về việc rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để trả nợ
Rút tiền từ tài khoản tiết kiệm hay các quỹ khẩn cấp khác để trả nợ là một đề xuất rủi ro. Đơn giản là vì nếu bạn trả hết nợ (hoặc tệ hơn là chưa hết) nhưng tiền tiết kiệm cũng hết và bạn bất ngờ mất việc thì bạn dễ suy sụp và khủng hoảng, bế tắc.
Woodruff-Santos cho biết bạn phải phòng ngừa rủi ro khi cần trả lại tiền nợ, đồng thời không làm cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt mà bạn có thể cần cho những trường hợp khẩn cấp.
Matthews nói: "Rất hiếm khi tôi đề xuất hoặc đồng ý rút tiền từ bất kỳ tài khoản đầu tư nào để trả nợ". Theo Matthews thì bạn có thể tự đặt ra câu hỏi trước khi quyết định như nợ là gì, tổng số tiền nợ là bao nhiêu, nó có lặp đi lặp lại hay không? Bạn có thời gian bao lâu để trả nợ và có những cách nào khác để giải quyết khoản nợ đó không?