Lạm phát đẩy nhà đầu tư đến với cổ phiếu, tiền ảo
Niềm hứng khởi đối với các bộ phận rủi ro của thị trường đã đẩy các chỉ số chứng khoán và tiền mã hóa lên kỷ lục mới. Theo Wall Street Journal, nhà đầu tư cho biết một trong những động lực lớn là lạm phát leo thang và tác động của nó đã triệt tiêu lợi nhuận an toàn của trái phiếu chính phủ.
Tuần trước, lợi suất thực (tính đến tác động bào mòn của lạm phát) của trái phiếu chính phủ Mỹ đã rơi xuống một trong những ngưỡng thấp nhất trong lịch sử.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) kỳ hạn 10 năm đã rớt xuống -1,2%, theo Tradeweb. Đây là mức thấp nhất từng được ghi nhận, theo dữ liệu từ tháng 2/2003.
Về cơ bản, lợi suất thực âm có nghĩa là sức mua của tiền đầu tư sẽ giảm trong suốt vòng đời của trái phiếu.
Lợi suất thực trượt dài vì nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm lạm phát cao nhất trong hơn ba thập kỷ cộng với lợi suất danh nghĩa của trái phiếu chỉ tăng khiêm tốn do ngân hàng trung ương tránh tăng lãi suất.
Viễn cảnh lợi nhuận âm từ trái phiếu chống lạm phát siêu an toàn thôi thúc nhà đầu tư mua những tài sản rủi ro hơn.
Ông Lorenzo Di Mattia, Giám đốc của quỹ đầu cơ Sibilla Capital giải thích: "Lợi suất thực càng thấp thì càng khuyến khích đầu cơ". Khi tiền mặt mất giá vì lạm phát, nhà đầu tư càng có động lực bắt tiền đẻ ra tiền.
Đã có dấu hiệu giá chứng khoán Mỹ tách rời với giá trị nội tại. Cổ phiếu của startup xe điện Rivian Automotive nhảy vọt 29% trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 10/11. Rivian tiếp tục đi lên hai ngày kế tiếp, đạt vốn hóa lớn hơn cả Ford dù mới chỉ bắt đầu giao xe cho khách từ tháng 9 năm nay.
Giá tiền mã hóa tăng vùn vụt. Bitcoin lập kỷ lục vào ngày 9/11 với mức giá 68.525 USD, theo CoinDesk. Tuy các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đi xuống trong tuần qua, nhưng vẫn chỉ cách đỉnh cao nhất mọi thời đại 2%.
Lạm phát là mối lo ngại chính của thị trường trong những tháng gần đây, trong bối cảnh nhà đầu tư và nhà phân tích cố sức tìm hiểu xem liệu thiếu hụt lao động và tắc nghẽn nguồn cung sẽ là hiện tượng ngắn hạn hay lâu dài.
Ngân hàng trung ương tại các thị trường phát triển tiếp tục khẳng định rằng sự gia tăng giá cả chỉ là nhất thời. Quan chức tại ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu (Fed và ECB) đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB còn nói rằng khó có khả năng châu Âu sẽ tăng lãi suất trong năm sau.
Tại châu Âu, lợi suất thực ở Đức đã trượt xuống còn -2,2%, gần với đáy lịch sử.
Ông Shaniel Ramjee, nhà quản lý quỹ tại Pictet Asset Management đã vơ vét cổ phiếu tăng trưởng như các công ty công nghệ xanh và chấp nhận nhiều rủi ro hơn bằng cách thêm cổ phiếu của các công ty vốn hóa nhỏ vào danh mục.
"Lợi suất thực âm thúc đẩy nhà đầu tư trở nên liều lĩnh hơn. Với lạm phát dự kiến sẽ ngày càng ăn mòn lợi nhuận của danh mục, nhà đầu tư đổ dồn vào các khoản đầu tư rủi ro có tiềm năng lợi nhuận cao để bù đắp thiệt hại. Tôi thực sự cho rằng hiện tượng này là động lực của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây".
Với lợi suất thực lao dốc, cổ phiếu công nghệ với tiềm tăng tăng trưởng lâu dài được hưởng lợi lớn. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng khoảng 10% trong tháng trước, gần gấp đôi mức tăng của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones.
Đối với tiền mã hóa, hiệu suất của chúng trong môi trường giá tiêu dùng tăng cao kém rõ ràng hơn. Nhà đầu tư và giới phân tích mâu thuẫn với nhau về việc liệu giá tiền mã hóa được thúc đẩy bởi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư hay chúng thực sự là công cụ phòng ngừa lạm phát. Hiệu quả chống lạm phát của bitcoin không cao: Đồng tiền này từng bị bán tháo trong năm nay giữa lúc lo ngại về giá cả tăng lên cao.
Ông Joel Krugel, chuyên gia tiền tệ tại sàn giao dịch LMAX Group cho biết: "Môi trường lợi suất thấp, yêu thích rủi ro trong thời gian gần đây có lợi cho tiền mã hóa". Nhưng nếu lạm phát tăng đến mức Fed có thể cần phải tăng lãi suất, cắt tín dụng khỏi nền kinh tế, tài sản rủi ro nói chung có thể chịu đòn giáng, bao gồm cả tiền mã hóa.