Lạm phát tăng nóng nhưng quan chức Fed vẫn cảnh báo 'phản ứng thái quá có hại nhiều hơn lợi'
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không nên phản ứng thái quá trước lạm phát vì áp lực giá hiện nay nhiều khả năng chỉ là hiện tượng tạm thời. Đây là nhận định của ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 14/11 với đài CBS, ông Kashkari thừa nhận: "Mức giá cả cao mà các gia đình phải trả là thật và người dân đang phải trải nghiệm nỗi đau đó".
"Chúng ta phải nhìn nhận lạm phát rất nghiêm túc. Nhưng chúng ta cũng cần tránh phản ứng thái quá đối với một số yếu tố tạm thời dù nỗi đau là có thật".
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,2% trong tháng 10 so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Điều này đã khiến một số nhà kinh tế kêu gọi Fed đẩy nhanh quá trình rút bớt hỗ trợ cho nền kinh tế.
Ông Kashkari không phải quan chức Fed duy nhất cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ không nên vội vã cắt giảm hỗ trợ cho nền kinh tế. Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco cũng thừa nhận rằng số liệu lạm phát cao đến mức "lóa mắt", nhưng vẫn quá sớm để kết luận rằng liệu ngân hàng trung ương Mỹ có nên đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách không.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, bà Daly nói: "Hiện giờ vẫn còn quá sớm để thay đổi những tính toán của chúng tôi về tăng lãi suất. Hiện tại, sự không chắc chắn buộc chúng tôi chờ đợi và quan sát thận trọng".
"Rõ ràng chúng ta đang gặp phải thách thức. Lạm pháp cao – đến mức lóa mắt – khiến mọi người chú ý và khiến ví tiền của họ mỏng đi. Nhưng vấn đề là COVID-19 vẫn còn đó".
Bà Daly cho rằng tắc nghẽn nguồn cung và "nhu cầu cực lớn dành cho hàng hóa" là tác nhân chính dẫn đến giá cả leo thang.
Phố Wall không cho rằng lạm phát sẽ sớm giảm tốc. Các nhà kinh tế tại ngân hàng Wells Fargo ước tính rằng chỉ số giá tiêu dùng sẽ liên tục ở trên mức 6% cho đến hết quý I năm sau.
Cựu bộ trưởng tài chính Lawrence Summers nói với CNN rằng động lực lạm phát đã tích lũy đến mức mà "sẽ cần sự điều chỉnh chính sách lớn hoặc một số sự kiện đáng tiếc khiến kinh tế bị kìm hãm trước khi lạm phát quay trở lại khoảng 2%".
Hôm 3/11, các nhà hoạch định sách sách của Fed thông báo đã đồng ý bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng. Tuy nhiên lãi suất mục tiêu của Fed vẫn được duy trì trong khoảng 0-0,25%.
Lựa chọn nhân sự
Ông Kashkari nhận xét động thái trên là "hợp lý" và nhấn mạnh rằng rút lại sự hỗ trợ của Fed quá nhanh có thể làm tổn thương nền kinh tế nhiều hơn là lợi ích từ kiểm soát lạm phát.
"Điều chỉnh chính sách kinh tế luôn có độ trễ. Do đó nếu chúng ta phản ứng thái quá trước sự gia tăng giá cả ngắn hạn, chúng ta có thể kéo lùi nền kinh tế trong dài hạn".
Ông Kashkari dự kiến nhu cầu lớn liên quan đến kích thích tài khóa và hạn chế nguồn cung do đại dịch sẽ dần được xoa dịu.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden sẽ tái bổ nhiệm ông Jerome Powell làm Chủ tịch Fed thêm 4 năm nữa hay chọn Thống đốc Lael Brainard làm người kế nhiệm, ông Kashkari nói rằng cả hai đều tài giỏi và nhiều khả năng sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ tương tự.
"Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ chính sách mới mà chúng tôi áp dụng, đó là không cắt ngắn cuộc phục hồi kinh tế. Tôi tin rằng dù ông Powell hay bà Brainard làm chủ tịch Fed thì họ cũng sẽ tiếp tục công việc này".
Vào tháng 8/2020, Fed thông báo sự thay đổi chính sách lớn, về bản chất sẽ cho phép lạm phát tăng nóng hơn bình thường để hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế.