11 ý tưởng kỳ quặc giúp trở nên giàu có
Thương hiệu thú nhồi bông Bean Babies được Ty Warner thành lập năm 1993. Mỗi sản phẩm bán với giá 5 USD, tạo ra cơn sốt trong những năm 90. Đến năm 1999, công ty có doanh thu hơn một tỷ USD. Kể từ khi thành lập, ước tính Bean Babies mang về gần 6 tỷ USD cho Warner. Ngày nay, ông có tài sản ròng trị giá hơn 2 tỷ USD.
Alex Tew lập ra "The Million Dollar Homepage" năm 2005, khi anh còn là chàng sinh viên đại học 21 tuổi. Trang web có một triệu pixels nằm trong lưới 1000 x 1000 pixels. Mỗi không gian quảng cáo, tương ứng với một pixel được anh bán với giá một USD.Toàn bộ pixel được anh bán hết chỉ sau 4 tháng. Trang web sau đó được mua lại. Anh dùng số tiền để đồng khởi nghiệp một ứng dụng về thiền, gọi là Calm. Hiện ứng dụng này đã trở thành startup kỳ lân.
Thay vì bán áo khoác, Scott Boilen nghĩ rằng mọi người cũng có thể khoác những chiếc chăn mỏng để dạo phố hay đi tiệc. Ý tưởng này giúp vị chủ tịch Allstar Products tạo ra dòng sản phẩm chăn dùng mặc khoác, có tên Snuggie. Từ năm 2008, hơn 30 triệu sản phẩm được tiêu thụ, mang về cho công ty ông 500 triệu USD.
Ý tưởng về món đồ chơi hình lò xo Slinky được kỹ sư cơ khí Richard James tạo ra tình cờ khi ông nhìn mẫu lò xo lăn trên sàn nhà trong lúc đang làm việc căng thẳng. Ông mất hai năm để hoàn thiện sản phẩm.
Thời gian sau, James đến Bolivia gia nhập một giáo phái. Vợ ông tiếp quản công việc kinh doanh đến khi bà qua đời năm 2009. Thời điểm ấy, có hơn 350 triệu vòng Slinky được bán ra, lợi nhuận 3 tỷ USD. Độ dài của số vòng này đủ quấn 150 lần trái đất.
Nghe bạn bè nói về những nguy hiểm khi chăm sóc thú cưng, Gary Dahl (San Jose, Mỹ), đã tạo ra Pet Rock vào năm 1975. Nó đơn giản là một hòn đá, được ông giới thiệu là "thú cưng không rắc rối". Ông bán hòn đá cùng một quyển hướng dẫn huấn luyện thú cưng và một hộp giấy dùng để vận chuyển. Sản phẩm của ông lập tức gây sốt, mang về cho ông 7 triệu USD. Sau đó, ông cố gắng tạo ra những sản phẩm ăn theo Pet Rock nhưng đều thất bại.
Furby được xem là món đồ chơi điện tử vô nghĩa, hình một con hamster với mặt cú. Nó từng gây sốt vào thập niên 90 và nhanh chóng bị lãng quên sau đó. Tuy nhiên, nó cũng đã kịp thời mang về được 500 triệu USD.
Vào những năm 1980, Scott Stillinger đã phát minh ra Koosh Ball - một quả bóng cao su phủ các sợi đầy màu sắc. Hãng Hasbro đã mua lại bản quyền Koosh Ball với giá 100 triệu USD vào năm 1997. Tạp chí Time đã gọi nó là một trong những đồ chơi vĩ đại nhất mọi thời đại.
Big Mouth Billy Bass hình một con cá, dùng treo trong nhà xe hoặc phòng khách, được Gemmy Industries bán ra vào năm 2000. Phải mất hai năm để nhà sáng tạo Joe Pellettieri hoàn thiện nó, với phần đầu cá có thể di chuyển, miệng có động cơ và có thể hát hai câu "Don't Worry, Be Happy" và "Take Me to the River."
Ngày nay, con cá này vẫn còn bán trên Amazon với giá 40 USD. Doanh thu của nó chưa từng được tiết lộ, nhưng ước khoảng 100 triệu USD.
Ken Hakuta trở thành triệu phú vào năm 1985 nhờ Wacky Wall Walker. Đây là một món đồ chơi tám cánh, mỏng manh giống như một con bạch tuộc. Hakuta không nghĩ ra nó mà mua bản quyền từ Trung Quốc với giá 100.000 USD.
Việc kinh doanh của anh phất lên sau khi một phóng viên Washington Post tình cờ thấy sản phẩm và viết về nó. Bài báo đã giúp món đồ chơi được tiếp thị tuyệt vời, bán được 240 triệu sản phẩm chỉ trong vài tháng, mang về 80 triệu USD. Ngày nay nó vẫn được bán trên Amazon, các cửa hàng đồ chơi và tặng kèm trong các hộp ngũ cốc.
Chia Pet là một lọ gốm với các hình thù như chó, mèo, thỏ hay thậm chí là tổng thống. Nó có sẵn đất và hạt giống nên sau khi tưới nước thì cây xanh sẽ mọc lên. Joe Pedott (San Francisco, Mỹ) là người sáng tạo ra nó. Mỗi lọ được bán với giá 16 USD. Mỗi mùa lễ, công ty sở hữu bán được khoảng 500.000 sản phẩm. Điều này có nghĩa Chia Pet giúp mang về hàng triệu USD mỗi năm.
Năm 1963, Harvey Ball vẽ một khuôn mặt cười với hình tròn, tô màu vàng để phục vụ truyền thông cho một khách hàng ngành bảo hiểm. Ông nhận được 45 USD tiền thiết kế và không đăng ký bản quyền.
Nhận thấy tiềm năng, hai anh em Bernard and Murray Spain sử dụng biểu tượng này để in trên một loạt sản phẩm như áo thun, ly tách và bán được 50 triệu sản phẩm vào năm 1972. Sau đó, Franklin Loufrani (Pháp) trở thành người đăng ký sử dụng hợp pháp biểu tượng này và thành lập công ty The Smiley.
Năm 1996, con trai Loufrani của ông tiếp quản công việc kinh doanh, phát triển công ty thành SmileyWorld. Công ty hiện sở hữu bản quyền biểu tượng mặt cười tại hơn 80 quốc gia, thu về hơn 250 triệu USD mỗi năm.