|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

1 năm doanh nghiệp hải sản Việt cam kết khắc phục 'thẻ vàng' IUU làm được gì?

15:03 | 25/09/2018
Chia sẻ
Dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ sang kiểm tra lần 2 vào tháng 1/2019. Tổng cục Thủy sản đang đề nghị các địa phương tập trung nhiều biện pháp khắc phục, sớm gỡ “thẻ vàng” đồng thời lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam.

Sáng 25/9, đã diễn ra Hội nghị đánh giá một năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU.

1 nam doanh nghiep hai san viet cam ket khac phuc the vang iuu lam duoc gi
Hội nghị đánh giá một năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU (Ảnh: Thu Hà)

Bà Lệ Hằng - Phó Giám đốc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, "thẻ vàng" IUU tạm dịch là đánh cá bất hợp pháp, đã tác động giảm xuất khẩu hải sản khai thác sang EU trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm .

Xuất khẩu hải sản 6 tháng đầu năm đạt 1,35 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Với xu hướng như nửa đầu năm, dự báo xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm trên 1,8 tỷ USD, đưa cả năm đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 7%.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU khả năng tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.

Nói về nguyên nhân Việt Nam bị cảnh báo bằng "thẻ vàng" IUU, bà Nguyễn Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cho biết cả nước hiện có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó có 28.600 tàu cá xa bờ, sản lượng khai thác năm 2017 đạt 3,2 triệu tấn, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, số lượng tàu cá phát triển quá nhanh so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, nhất là tình trạng khai thác bất hợp pháp, không theo quy định, đã làm suy giảm nguồn lợi trong nước, sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng.

Từ đó phát sinh tiêu cực là tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân mà ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

"Mặt khác, ngư dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác và chúng ta hiện cũng chưa có chế tài xử phạt cũng như bắt buộc đối với ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký", bà Sắc thông tin.

Điều này dẫn đến việc xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản còn nhiều sai sót. Việc chứng nhận hải sản khai thác còn nhiều bất cập, các địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục...

Bà Sắc cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan đến các quy định IUU. Tuy nhiên giai đoạn đầu, có thể còn thận trọng, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục, vì vậy ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hải sản, nhất là đối với những mặt hàng thu gom nguyên liệu từ nhiều nguồn, nhiều tàu hàng.

Dự kiến, phía Ủy ban châu Âu sẽ sang kiểm tra lần 2 vào tháng 1/2019. Tổng cục Thủy sản đang đề nghị các địa phương tập trung nhiều biện pháp khắc phục, sớm gỡ “thẻ vàng” đồng thời lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, để dễ dàng trong việc hoàn tất các chứng từ liên quan đến nguồn nguyên liệu đánh bắt, khai thác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các địa phương có đoàn tàu đánh bắt, khai thác có chiều dài 24 m trở lên phải lặp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.

Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương và Sở, ngành liên quan có những biện pháp cụ thể để kiểm soát xuất cảng, ra khơi.

Xem thêm

Thu Hà