|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu xi măng, clinker điêu đứng với biểu thuế mới

07:00 | 12/01/2017
Chia sẻ
Xuất khẩu xi măng, clinker sẽ vô cùng khó khăn thậm chí không thể xuất khẩu với việc điều chỉnh chính sách về thuế GTGT và thuế xuất khẩu đối với hai mặt hàng trên.

Với hai nghị định số 100/2016/NĐ-CP có nội dung liên quan đến xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có nội dung các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5% sẽ khiến cho xuất khẩu xi măng Việt Nam rất khó khăn cạnh tranh với xi măng các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Iran, Pakistan, Nhật Bản,...

Hiện nay, giá xuất khẩu xi măng, clinker đã và đang xuống rất thấp. Sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600-700 triệu tấn (số dư thừa gấp 7-8 lần tổng công suất của Việt nam hiện tại). Trung Quốc, Ấn độ, Pakistan và một số nước thi nhau hạ giá xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm. Nếu áp dụng thuế xuất khẩu theo 2 Nghị định trên thì chi phí xuất khẩu tăng thêm khoảng 4,5USD/T đối với clinker và 7,5USD/T đối với xi măng. Điều này có thể dẫn đến việc phải dừng xuất khẩu và lúc đó lượng dư thừa công suất sẽ dồn vào thị trường nội địa. Nếu không xuất khẩu được thì lượng dư thừa năm 2017 sẽ là 30 triệu tấn – 2020 là 35 triệu tấn. Tình thế đó xảy ra thì thị trường xi măng nội địa sẽ hỗn loạn và một số doanh nghiệp sẽ phá sản, các doanh nghiệp khác sản xuất cầm chừng.

Trao đổi với ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết: “Hiệp hội đã kiến nghị đưa mặt hàng xi măng ra khỏi đối tượng áp dụng theo 2 Nghị định nêu trên vì xi măng là sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh, không thuộc diện bán thành phẩm theo quy định tại Phụ lục của Nghị định 122/2016/NĐ-CP (vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm). Nếu phải chịu thuế xuất khẩu theo 2 Nghị định trên thì đề nghị cần có sự công bằng hơn bằng cách áp dụng cách tính thuế theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân, tránh được việc phát sinh tiêu cực để được chấp nhận chi phí tài nguyên khoáng sản và năng lượng trong giá thành dưới 51%. Mặt khác nếu phải chịu thuế tài nguyên khoáng sản thì chi phí 2 phần đó đến đâu thì đóng thuế đến đó, phần không tài nguyên khoáng sản còn lại trong giá thành thì không phải đóng thuế. Rõ ràng theo cách tính hiện nay, thì sẽ có sự thiệt thòi rất lớn của nhà sản xuất xuất khẩu có các chi phí nêu trên là 51% so với 50,9%. Cách tính này còn kìm hãm doanh nghiệp tăng năng suất vì năng suất càng cao thì tỷ lệ chi phí tài nguyên khoáng sản và năng lượng trong giá thành sẽ càng cao”.

Chủ trương của Nhà nước ta là đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, clinker. Theo Quyết định phê duyệt quy hoach phát triển VLXD số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng thì trong giai đoạn đến năm 2030, xi măng và clinker Việt Nam cần xuất khẩu hàng năm 20-30% tổng công suất mới ổn định thị trường. Bởi vậy, cần chú trọng đầu tư các dự án sản xuất xi măng, doanh nghiệp căn cứ vào quy hoạch phát triển, trong đó có cả xuất khẩu và tính toán hiệu quả trên cơ sở các chính sách hiện hành. Khi Nhà nước thay đổi chính sách, tăng thuế xuất khẩu chẳng hạn, sẽ làm thay đổi theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy chính sách thay đổi cần có độ trễ, không nên áp dụng ngay.

Một việc nữa cần làm rõ thêm, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên là vấn đề vô cùng quan trọng để duy trì sản xuất lâu dài. Tuy nhiên cần làm rõ xuất khẩu xi măng, clinker không phải là xuất khẩu tài nguyên. Sản xuất xi măng là công nghệ chế biến sâu, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, từ các nước công nghiệp phát triển và giá trị gia tăng do chế biến là rất lớn. Xuất khẩu xi măng, hiệu quả lớn, tận dụng tối đa chi phí đầu tư, nhân lực, thiết bị, sử dụng hiệu quả tài nguyên bởi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và xi măng nói riêng đang sử dụng phế thải ngày càng nhiều làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất thay thế cho nguồn tự nhiên. Nước nghèo tài nguyên, khoáng sản như Nhật bản mà từ năm 1980 đến nay luôn xuất khẩu hàng năm trên dưới 10 triệu tấn xi măng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thanh Hà