Xuất khẩu xi măng của Việt Nam ít chịu tác động bởi cơ chế CBAM
Lượng xuất khẩu xi măng sang EU rất nhỏ
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (Bộ Công Thương) cho biết vào tháng 10 tới, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Xi măng là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của cơ chế này.
Theo hướng dẫn của EU, các nhà nhập sẽ phải thu thập dữ liệu quý IV, kể từ ngày 1/10/2023 và báo cáo đầu tiên phải nộp trước ngày 31/1/2024.
Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu hàng hóa trong phạm vi quy định mới sẽ chỉ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trong hàng nhập khẩu (phát thải trực tiếp và gián tiếp) mà không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán hoặc điều chỉnh tài chính nào.
Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới, do vậy nhiều ý kiến lo ngại cơ chế CBAM sẽ trở thành rào cản mới với ngành công nghiệp này.
Trao đổi với người viết, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá cơ chế CBAM của EU có ảnh hưởng đến ngành xi măng Việt Nam, tuy nhiên mức độ tác động không đáng kể bởi trong gần 5 năm gần đây, lượng xuất khẩu loại vật liệu xây dựng này sang EU chiếm dưới 2% trong tổng lượng hàng xuất khẩu xi măng.
Số liệu của VNCA cho thấy 8 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ xi măng của Việt Nam đạt 58,8 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, mảng xuất khẩu đạt 21,2 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ và chiếm 36% tổng lượng xuất khẩu ngành này.
Top 5 thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam bao gồm Philippines, Bangladesh, Mỹ, Đài Loan, Malaysia, chiếm tới 70% tổng lượng xuất khẩu xi măng 8 tháng đầu năm nay.
EU cũng là một trong những thị trường xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên cả lượng và kim ngạch đều khá khiêm tốn. 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam bán sang EU 400.000 tấn xi măng, tương ứng gần 17 triệu USD, chiếm 1,8% về tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu loại vật liệu xây dựng này.
Trước đó, giai đoạn 2019-2022, lượng xi măng của Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng rất nhỏ, thị phần luôn dưới 2%.
Ông Lương Đức Long cho rằng doanh nghiệp xi măng “không lo sợ” trước CBAM, tuy nhiên ngành cũng đang chuẩn bị các phương án nhằm xanh hóa, giảm phát thải carbon.
“Chính phủ đã cam kết đưa phát thải carbon về 0 vào năm 2050. Do vậy, mọi ngành kinh tế đều phải tìm giải pháp xanh hóa”, Phó Chủ tịch VNCA nói.
Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định xi măng là một trong những ngành hàng phải báo cáo thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Khi cơ quan quản lý ban hành hướng dẫn, các doanh nghiệp sẽ thực hiện kiểm kê từ năm 2024, đồng thời tiến hành các biện pháp nhằm giảm phát thải, sản xuất xanh.
Doanh nghiệp ưu tiên phát triển thị trường Mỹ hơn EU
Thông thường, dư địa và giá là điểm thu hút doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường. Đối với mảng xi măng, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho rằng thị trường Mỹ có sức hấp dẫn đặc biệt với các doanh nghiệp xi măng bởi giá xuất khẩu cao, điều kiện bán hàng thuận lợi.
Thống kê số liệu cho thấy bình quân giá xi măng xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay đạt 47 USD/tấn, cao hơn 9% so với giá xuất khẩu trung bình và cao hơn 12% giá xuất khẩu sang EU. Đây cũng là thị trường có mức giá xuất khẩu tốt nhất trong mặt bằng chung.
Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu xi măng sang Mỹ đạt hơn 3 triệu tấn, tương ứng 142 triệu USD, chiếm hơn 14% về lượng và 15,5% về giá trị xuất khẩu xi măng nói chung.
Trong 5 năm gần đây, xuất khẩu xi măng sang Mỹ có xu hướng tăng trưởng khả quan. Chỉ sau 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu xi măng sang thị trường này đã vượt kết quả năm 2022.
Chủ tịch VNCA kỳ vọng sau khi Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, xuất khẩu loại vật liệu xây dựng này sang thị trường Mỹ sẽ có nhiều kết quả ấn tượng hơn.