Chưa giải được bài toán dư cung: Ngành xi măng khó càng thêm khó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ trong quý II
Bộ Xây dựng cho biết, sản lượng xi măng trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 39 triệu tấn giảm 7% so với cùng kỳ. Tiêu thụ khoảng 43 triệu tấn giảm 10%, trong đó, tiêu thụ nội địa là 29 triệu tấn giảm 8%, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker (xi măng dạng thô) khoảng 15 triệu tấn giảm 15% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), năng lực sản xuất xi măng năm 2023 của nước ta đạt hơn 120 triệu tấn (nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn) trong khi tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn.
Có một thực tế là tình trạng dư cung xi măng đã diễn ra trong thời gian dài, nhất là những năm gần đây khi nhu cầu xây dựng giảm sút, xuất khẩu gặp khó và giải ngân đầu tư công diễn ra còn chậm.
Theo thống kê của người viết, trong quý II, các doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đều ghi nhận doanh thu suy giảm so với cùng kỳ. 3 công ty có lợi nhuận đi lùi và 4 doanh nghiệp báo lỗ.
Doanh nghiệp xi măng vẫn chưa hết khó
Thị trường bất động sản ảm đạm và nhu cầu tiêu thụ xi măng yếu chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) giảm 57% so với cùng kỳ. Hiện tại, HT1 là doanh nghiệp xi măng có vị thế lớn nhất khu vực miền Nam, chiếm 10% thị phần thị trường trong nước. Ngoài cung ứng cho nội địa, công ty còn xuất khẩu xi măng sang Campuchia.
Trong báo cáo cập nhật hồi tháng 7, Chứng khoán An Bình (ABS) dự báo, trong thời gian tới, HT1 vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu thụ xi măng “đi xuống” khi nền kinh tế Trung quốc suy yếu hơn dự kiến. Bên cạnh đó, mùa mưa đang tới gần sẽ khiến nhu cầu xây dựng suy giảm.
Mặt khác, việc giá điện tăng cũng gây ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng của HT1. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra hồi tháng 4, ông Lưu Đình Cường - Tổng giám đốc công ty cho biết sẽ nâng giá bán sản phẩm khi giá điện tăng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giá điện bán lẻ tăng 3% từ ngày 4/5 04/05/2023 - 11:11
Trong quý II, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) báo lỗ 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 58 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp công ty báo lỗ khi thị trường tiêu thụ xi măng suy yếu.
Chứng khoán KIS cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác tích cực cho xuất khẩu clinker của Việt Nam từ mức nền thấp. Trong đó, BCC là doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ việc cải thiện giá trong nước và tăng sản lượng khi thị trường xuất khẩu chính của công ty là “quốc gia tỷ dân” với khoảng 30% sản lượng.
Tuy nhiên, đơn vị phân tích cho rằng, triển vọng nhu cầu toàn cầu nói chung và tại Trung Quốc nói riêng được dự báo sẽ suy giảm trong bối cảnh lãi suất vay nợ cao. Điều này sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của nhu cầu thế giới cũng như nhu cầu của thị trường xuất khẩu Việt Nam đối với các sản phẩm xi măng và clinker.
Tương tự, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS) báo lỗ 17 tỷ đồng trong quý này. Theo công ty, đây là giai đoạn khó khăn nhất của từ trước đến nay khi cung vượt cầu, cạnh trong ngành gay gắt, thị trường xuất khẩu chính xi măng và clinker ảm đạm…
Bài toán cung – cầu vẫn bỏ ngỏ
Trong báo cáo về ngành xi măng hồi tháng 4, Chứng khoán KIS chỉ ra, từ năm 2010, thị trường trong nước bắt đầu rơi vào tình trạng cung vượt cầu do Quyết định số 108/2005/QĐ-TTG khuyến khích thành lập mới các nhà máy sản xuất xi măng. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 70% và thấp hơn tổng công suất thiết kế.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), vào năm 2022, công suất thiết kế xi măng toàn ngành khoảng 111 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 63 triệu tấn. Trong thời gian tới, tình trạng dư cung này có thể trầm trọng hơn khi các doanh nghiệp cải tiến công nghệ và áp dụng quy định mới về tỷ lệ phối trộn phụ gia.
Trước áp lực về cung - cầu, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước bắt buộc phải tăng cường xuất khẩu. Trong vài năm qua, lượng xi măng và clinker xuất khẩu tăng nhanh đã giải tỏa khó khăn cho ngành. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu đã tạm dừng vào năm 2022 sau khi đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2016-2021 là 24,9%.
Kể từ năm 2022, tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể, nguyên nhân là do Trung Quốc giảm nhập khẩu trước tác động của công tác phòng chống dịch, thị trường bất động sản tiếp tục tạo đáy khiến nhu cầu xi măng sụt giảm nhanh.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản đã khiến thị trường này rơi vào trầm lắng. Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than vẫn duy trì ở mức cao khiến các doanh nghiệp gặp khó.
Thậm chí, lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) từng cho rằng, những quý đầu năm 2023 là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam. Do đó, điều mong đợi lớn nhất của các nhà sản xuất xi măng hiện tại là hệ thống đường cao tốc khởi động để có cơ hội đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa bởi kênh xuất khẩu hiện đang rất khó khăn.
Ngành xi măng trông chờ vào đầu tư công?
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.
Nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp khác nhau phụ thuộc đặc thù từng ngành, trong đó có xi măng.
Trong báo cáo về ngành xi măng hồi tháng 8, Chứng khoán KIS nhận định, nhu cầu tiêu thụ xi măng tiếp tục yếu trong quý III khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, El Nino (kiểu khí hậu tăng nắng, giảm mưa) có khả năng làm tăng số ngày khô hạn, điều này có thể giúp ích cho tình hình tiêu thụ xi măng. Do đó, tổng sản lượng tiêu thụ xi mắng có thể đạt 23,8 triệu tấn vào quý III năm nay tăng 8% so với cùng kỳ.
Đối với nguyên vật liệu đầu vào, việc giá đầu vào giảm mạnh thời gian gần đây sẽ có lợi cho hầu hết doanh nghiệp sản xuất xi măng. Đồng thời, đơn vị phân tích cũng dự báo sẽ không có biến động tăng giá bất thường đối với giá than cốc toàn cầu. Do đó, biên lợi nhuận ngành xi măng sẽ được cải thiện trong quý III.
Đối với kênh xuất khẩu, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh lực cầu yếu từ thị trường xuất khẩu lớn nhất (Trung Quốc).
Trong báo cáo hồi tháng 4, đơn vị phân tích này cũng nhận định, triển vọng ngắn hạn ở Trung Quốc hiện đang bắt đầu cải thiện sau khi nới lỏng chính sách Zero-COVID nhưng suy thoái bất động sản vẫn được dự báo sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu xi măng trong năm 2023 mặc cho các tín hiệu tích cực gần đây.
Tăng trưởng nhu cầu đối với xi măng tại Trung Quốc được dự báo sẽ không đổi trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ giảm theo lời của IA Cement. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 có thể được cải thiện so với năm 2022, nhưng các nhà xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam có thể phải cạnh tranh gay gắt hơn để giành được hợp đồng với Trung Quốc.
Về trung hạn, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ dần công suất sản xuất kém chất lượng do các quy định về môi trường (dự kiến cắt giảm 400 triệu tấn). Theo CCA&RMI, nhu cầu xi măng tại Trung Quốc trong dài hạn có thể sẽ giảm do quá trình đô thị hóa chậm lại và hoạt động xây dựng yếu đi. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm tăng trưởng tổng sản lượng xuất khẩu trong dài hạn.