|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận doanh nghiệp đá vẫn chưa bứt phá trong quý II, chờ cú hích từ sân bay Long Thành

14:40 | 16/08/2023
Chia sẻ
Hầu hết doanh nghiệp ngành đá xây dựng ghi nhận sự phân hoá kết quả kinh doanh trong quý II và vẫn đang chờ cú hích từ các dự án đầu tư công như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam. Trong đó, các mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai được dự báo hưởng lợi lớn nhờ vị trí thuận lợi và trữ lượng khai thác dồi dào.

Thống kê trên sàn chứng khoán, trong quý II, có 3/9 doanh nghiệp ngành đá ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Về mặt lợi nhuận có 6/9 công ty ghi nhận tăng, trong đó 2 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng đột biến.

  Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

  Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

CTCP Hóa An (Mã: DHA) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận quý II cao nhất trong nhóm công ty thống kê. Cụ thể, DHA ghi nhận 35 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 18 lần so với cùng kỳ nhờ hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư ngắn hạn được thực hiện vào năm 2022.

DHA hiện sở hữu 3 mỏ đá (Núi Gió, Thạnh Phú 2, Tân Cang 3) tại Đồng Nai và Bình Phước với tổng công suất khai thác được cấp phép là 1,6 triệu m3/năm. Các mỏ của công ty đã được khai thác trong thời gian dài, chất lượng tốt nên biên lợi nhuận gộp cao.

Trong một báo cáo hồi tháng 7, Chứng khoán KIS nhận định, nhu cầu đá dăm cao chủ yếu đến từ các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực TP HCM – Đồng Nai – Bình Dương sẽ hỗ trợ DHA tăng trưởng trong tương lai. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ đá dăm giai đoạn 2023- 2025 khoảng 14,7 triệu m3, tương đương mức tiêu thụ hàng năm tăng 10% so với năm 2022.

Một doanh nghiệp khác có lợi nhuận sau thuế tăng đột biến CTCP Khoáng sản Miền Đông AHP (Mã: BMJ) khi nhiều công trình thi công của công ty đã hoàn thành, nghiệm thu và quyết toán trong quý này.

Còn CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng (Mã: LBM), nhờ tiết giảm mạnh giá vốn, nên dù doanh thu giảm nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Đây cũng là đơn vị có mức lợi nhuận cao nhất ngành đá trong quý II.

   Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Đối với CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB), công ty lãi 30 tỷ đồng trong quý này. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 66 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm. Theo SSI Reasearch, VLB có thể đạt được mục tiêu đề ra nhờ sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng và không còn khoản truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

VLB hiện là công ty đá xây dựng niêm yết lớn nhất với tổng công suất khai thác được cấp phép là 5,7 triệu m3/năm, trữ lượng ước tính còn lại tính đến cuối năm 2022 lên tới gần 94 triệu m3. Toàn bộ các mỏ đá của VLB (Thạnh Phú, Thiện Tân 2, Soklu 2, Soklu, Tân Cang 1) đều nằm tại Đồng Nai và được đánh giá cao về chất lượng và vị trí.

VNDirect kỳ vọng, các mỏ đá này sẽ là nguồn cung cấp chính cho dự án sân bay Long Thành, đường vành đai 3 – TP HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Mặt khác, diện tích đất còn lại chưa đền bù của công ty chỉ còn khoảng 7% diện tích khai thác nên VLB không gặp rủi ro lớn về chi phí đền bù tăng.

Ngoài ra, VLB còn có thêm động lực để tăng trưởng trong thời gian tới khi công ty được chấp thuận mở rộng và kéo dài thời hạn khai thác tại các mỏ Soklu 2 và Soklu 5. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của công ty là Dofico – một doanh nghiệp nhà nước (nắm giữ 49% cổ phần) đang tiến hành thoái vốn tại VLB sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư mới.

Trái ngược với bức tranh kinh doanh khởi sắc của ngành đá trong quý II, lợi nhuận CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) “đi xuống” khi doanh thu sụt giảm và chi phí tài chính gia tăng.

Những năm gần đây, lợi nhuận KSB có chiều hướng giảm sút khi mỏ đá lớn nhất trước đó của công ty là Tân Đông Hiệp hết hạn khai thác từ ngày 31/12/2019. Trong khi đó, mỏ đá Phước Vĩnh đã hết hạn khai thác và đang chờ xin gia hạn, mỏ đá Tam Lập đang xin cấp quyền khai thác nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tập pháp lý. Hiện tại, VLB chỉ có 2 mỏ đá là Tân Mỹ và Thiện Tân 7 vẫn còn thời hạn khai thác tới tháng 8/2029 và tháng 1/2035.

Bài toán nan giải của ngành đá

Xin cấp phép mới và gia hạn khai thác mỏ đá không chỉ là câu chuyện của KSB mà còn là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Trong báo cáo ngành đá hồi tháng 6, VNDirect nhận thấy, việc cấp phép khai thác cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn ở cả việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đá mới do sự phản đối của người dân địa phương khi việc khai thác đá đang để lại nhiều hệ lụy xấu đến môi trường. Hầu hết các mỏ đá cũ (đã hết thời hạn khai thác) đều chưa thực hiện các thủ tục đóng mỏ theo như cam kết ban đầu.

 Nguồn: VNDirect.

Không những thế, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa được phê duyệt và đền bù giải phóng mặt bằng mỏ đá gặp khó khăn trong thời điểm giá đất tăng mạnh cũng gây ảnh hưởng đến nguồn cung đá xây dựng.

Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2030.

Hai yếu tố hỗ trợ ngành đá trong thời gian tới

Theo VNDirect, nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng từ quý IV/2023 nhờ giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ và ngành BĐS dân dụng dần ấm trở lại.

Cụ thể, ngành BĐS đã và đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực thông qua các chính sách tháo gỡ thị trường từ đầu năm đến nay như Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS, Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội và mới đây nhất là NĐ10 tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý.

Song, VNDirect cho rằng, hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm, điển hình từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013 đã gặp nhiều vấn đề bất cập. Các chính sách ban hành có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường BĐS phục hồi.

Do đó, đơn vị phân tích nhận thấy, nguồn cung BĐS nội địa sẽ hồi phục từ quý III/2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và  áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho nhu cầu đá xây dựng trong năm tới.

Bên cạnh đó, kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt  35,49% kế hoạch cả năm 2023. Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay.

Thời gian gần đây, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm xóa bỏ “điểm nghẽn” giao thông tại khu vực miền Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khu vực ĐBSCL sẽ được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 kmKế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 cũng tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Tại Đông Nam Bộ, dự án đường Vành đai 3 – TP HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành sẽ là điểm nhấn chính.

Do đó, VNDirect cho rằng, triển vọng triển khai thi công hàng loạt dự án giao thông lớn sẽ kích thích nhu cầu đá xây dựng tại khu vực miền Nam trong thời gian tới. 

  Nguồn: VNDirect.

Mỏ đá nào sẽ được hưởng lợi?

Theo Bộ GTVT, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành (giai đoạn 1), nhu cầu đá xây dựng cho thi công SBLT giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai.

   Nguồn: VNDirect.

Còn nhu cầu đá cho dự án đường Vành đai 3 – TPHCM và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng lần lượt là 4,4 triệu m3 và 3,4 triệu m3. Tuy nhiên, trữ lượng  công suất khai thác đá xây dựng tại ĐBSCL khá hạn chế và cần phải huy động từ các khu vực lân cận. 

Vì thế, đơn vị phân tích cho rằng, những mỏ đá tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ được hưởng lợi chính nhờ vị trí thuận lợi và trữ lượng khai thác đá lớn.

VNDirect chỉ ra, đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.

   Nguồn: VNDirect.

Theo đơn vị phân tích, cụm mỏ đá được dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ vị trí thuận lợi là Tân Cang và Thạch Phú – Thiện Tân. Trong đó, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 – TPHCM nhờ vị trí gần công trường nhất. Còn cụm mỏ Thạnh Phú - Thiện Tân sẽ là nguồn cung cho các dự án tại ĐBSCL nhờ nằm gần sông Đồng Nai, thuận tiện vận chuyển đường thủy

Hoàng Dung