|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp than đồng loạt báo lãi tăng bằng lần trong quý II

15:58 | 09/08/2023
Chia sẻ
Quý II, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than trong nước đa số tăng bằng lần trong bối cảnh nhu cầu của nhà máy điện tăng vọt.

Nửa đầu năm 2023 đặc biệt là quý II, hiện tượng El Nino mạnh lên, các hồ thủy điện cạn trơ nước, do đó các nhà máy nhiệt điện (than và khí) được huy động hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt trong mùa nắng nóng.

Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, các nhà máy điện dùng than nhập khẩu phải triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước than của các nhà máy khác.

Ở phương diện khác, ngoài cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, than còn là nguồn đầu vào trong ngành xi măng, hóa chất, phân bón, sắt, thép và chiếm một khoản chi phí sản xuất lớn. Chẳng hạn, than chiếm tới 30 - 40% chi phí sản xuất xi măng.

Tuy nhiên trong nửa đầu năm, nền kinh tế khó khăn khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, trong đó có sản xuất xi măng và thép vẫn chưa nóng trở lại, kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn than đầu vào yếu đi so với cùng kỳ.

Về giá bán, giá than toàn cầu đã có lúc chạm gần 450 USD/tấn trong năm 2022 do xung đột quân sự đẩy giá năng lượng lên cao, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga buộc châu Âu phải sử dụng năng lượng thay thế, trong đó có than.

Tại cuối tháng 6/2023, giá than thế giới điều chỉnh về quanh mức 125 USD/tấn, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Trong khi đó, giá than nội địa thường có xu hướng điều chỉnh giá chậm hơn so với thế giới, nghĩa là giá than bán ra trong nước vẫn còn đang nhỉnh hơn so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023.

Diễn biến giá than thế giới. (Nguồn: TradingEconomics).

Dù sức tiêu thụ than cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác chưa khởi sắc, giá bán trong nước và nhu cầu cho sản xuất điện lại là bệ đỡ cho kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của nhóm khai thác, kinh doanh than.

Ngành than 'phất' lên 6 tháng đầu 2023 nhờ tiêu thụ đột biến

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) – một trong hai doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối than trong nước, báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 87.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán than là 56.500 tỷ, tăng hơn 11%.

Lợi nhuận ước tính trên 3.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 6 tháng 2022 và đạt 60% kế hoạch cả năm.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV cho biết, quý II là khoảng “thời gian đúp” để nâng cao sản lượng khai thác, sản xuất than cả năm, chính vì vậy, tập đoàn chỉ đạo các đơn vị cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư lớn như Đèo Nai, Cọc Sáu, Khe Chàm II, IV, nhất là dự án nâng công suất mỏ Cao Sơn 4,5 triệu tấn/năm.

6 tháng đầu năm 2023, TKV đã cung cấp cấp ngoài hợp đồng thêm khoảng 600.000 tấn để các nhà máy đủ than để chạy các tổ máy nhiệt điện.

Kết quả kinh doanh của TKV ước tính trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Tổng hợp từ TKV).

Ở diễn biến khác, Tổng Công ty Đông Bắc – thuộc Bộ Quốc Phòng và là công ty than có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam sau TKV, cũng báo cáo kết quả tươi sáng với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 417 tỷ, gấp 2,1 lần cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên 18,9%.

Việc hai ông lớn bán than lãi đột biến so với cùng kỳ chủ yếu là nhờ nhu cầu tiêu thụ than tăng mạnh cho của các nhà máy điện.

Còn trên thị trường chứng khoán, có khoảng 10 doanh nghiệp đang được giao dịch UPCoM và niêm yết. 6 tháng đầu năm, có tới 7 đơn vị báo lãi ròng tăng trưởng hai đến ba chữ số phần trăm.

Trong đó, CTCP Kinh doanh Than miền Bắc - Vinacomin (Mã: TMB) dẫn đầu về kết quả kinh doanh trong nhóm, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng đột biến.

Doanh thu thuần 6 tháng đã cán mốc kỷ lục 20.198 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ. Lãi ròng 174 tỷ, gấp gần 2,2 lần.

Tính riêng quý II, TMB ghi nhận 11.464 tỷ doanh thu thuần, và lọt top 15 các doanh nghiệp có doanh thu cao nhất trên sàn. Lãi ròng quý II/2023 đạt 153 tỷ, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

TMB là công ty con của TKV và bán than tại địa bàn các tỉnh phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra. Bên cạnh nhiệm vụ nhập khẩu than về để pha trộn rồi giao lại cho TKV, TMB còn xuất bán lại than nhập khẩu cho các đơn vị pha trộn theo kế hoạch điều hành của TKV. 

Các đơn vị ngành than khác cũng báo lãi ròng 6 tháng tăng trưởng từ 100% - hơn 300% là Than Đèo Nai (Mã: TDN – tăng 316%), Than Hà Tu (Mã: THT – tăng 207%), Than Mông Dương (Mã: MDC – tăng 149%), Than Núi Béo (Mã: NBC – tăng 120%), Than Vành Danh (Mã: TVD – tăng 115%),…

Lợi nhuận của nhiều công ty than tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty và Wichart).

Cá biệt có hai trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin (Mã: CLM) và Than Cao Sơn (Mã: CST) lại báo cáo lợi nhuận giảm lần lượt 72% và 13% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu Than giải trình là do trong năm 2022, công ty đã thực hiện thành công một số gói chào thầu quốc tế cung cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước với tỷ lệ lợi nhuận cao trong khi năm 2023 không có hợp đồng tương tự.

Còn với Than Cao Sơn, nguyên nhân là do công ty đã khai thác hết trữ lượng than còn lại theo giấy phép khai khác số 2805/GPKT-BTNMT, trong khi đó công ty chưa được cấp giấy phép khai thác mới nên sản lượng than sản xuất giảm, dẫn đến doanh thu giảm. Doanh thu không đủ để bù đắp các khoản chi phí biến đổi, chi phí cố định nên dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

Theo thông tin mới nhất vào tháng 6, ban lãnh đạo Than Cao Sơn cho biết giấy phép khai thác mới sắp được cấp cho công ty.

 Lợi nhuận của nhiều công ty than trong quý II/2023 tăng vài lần đến vài chục lần so với cùng kỳ. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty và Wichart).

Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành than vẫn đối mặt với không ít thách thức như giá vật tư đầu vào tăng, điều kiện khai thác khó khăn hơn khi ngày càng khai thác xuống sâu, thiếu diện đổ thải, cung độ đổ thải lớn… kéo theo giá thành khai thác than ngày càng tăng. Bên cạnh đó là việc tuyển dụng nhân sự cho ngành này dần trở nên khó khăn,... 

Hầu hết biên lãi gộp quý II/2023 của nhóm than đều cải thiện vài điểm phần trăm so với cùng kỳ, trừ hai trường hợp của CLM và Than Cao Sơn. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Triển vọng ngành than trong ngắn và dài hạn

Dự kiến kế hoạch 6 cuối năm 2023, TKV dự báo nhu cầu than cho điện tăng cao (đến hết tháng 7/2023), sau đó sẽ giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023.

Căn cứ biên bản với EVN, TKV đã cam kết cung cấp tăng 10.000 tấn/nhà máy (trong tháng 7) cho các nhà máy nhiệt điện của EVN (khoảng 100.000 tấn) so với tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi có Công điện số 517, các nhà máy điện đều có nhu cầu lấy tăng, nên tháng 7/2023, TKV phải cấp tăng so với tiến độ hợp đồng tới 500.000 tấn.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 8/8, ông Hà Văn Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết hiện nay chủ trương, chính sách của Nhà nước vẫn là bao cấp một phần giá than cho sản xuất điện. 

Theo quy định của Luật Giá mới, than được đăng ký điều chỉnh giá và chỉ cần tiến hành các thủ tục đăng ký, nhưng TKV đã nhận thức rõ việc tăng giá than cho điện sẽ ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến giá điện. Do vậy, hiện giá than cho điện đang thấp hơn so với bán cho các loại hình doanh nghiệp khác (bán giá thấp hơn cho xi măng, sản xuất phân bón...). Như vậy, hằng năm TKV cũng gián tiếp giảm 1.000 - 3.000 tỷ đồng giá bán than cho điện.

Theo chính sách năng lượng mới, một trong những giải pháp sắp tới đảm bảo yếu tố thị trường là giá than sẽ tiệm cận dần theo giá thị trường. Như vậy, một mặt TKV sẽ cần xem xét điều chỉnh và thực hiện các biện pháp giảm chi phí đầu vào; mặt khác phải cân nhắc sự ảnh hưởng chung đối với nền kinh tế để xem xét điều chỉnh giá than phù hợp. 

Theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt và dự thảo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu sử dụng than đến năm 2030 tiếp tục tăng; trong đó giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu lớn nhất, xuyên suốt 2021 - 2045 nhu cầu trong nước luôn cao hơn khả năng sản xuất. 

TKV đã xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, đó là tiếp tục thực hiện thăm dò, đẩy mạnh khai thác xuống sâu các dự án, đảm bảo duy trì sản lượng than khai thác các năm khoảng 40 - 45 triệu tấn; Chủ động nhập khẩu, pha trộn và cung cấp than cho các hộ tiêu thụ đã ký hợp đồng dài hạn; Duy trì xuất khẩu các chủng loại than có giá trị kinh tế cao mà trong nước không có nhu cầu.

Ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội).

Giai đoạn 2021 - 2025, TKV và các nhà máy nhiệt điện đã ký hợp đồng cung cấp than dài hạn. Đối với các dự án BOT việc cung cấp than được thực hiện theo hợp đồng cung cấp than đã ký kết.

Để đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy điện theo cam kết/hợp đồng nguyên tắc đã ký đến hết đời dự án, theo kế hoạch TKV sẽ tiêu thụ khoảng 252 triệu tấn than (bao gồm cả xuất khẩu), trong đó than sản xuất trong nước khoảng 194 triệu tấn.

Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu nên sẽ kéo theo nhiều rủi ro gián đoạn nguồn cung nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cũng đã kiến nghị tới Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan để TKV được phép khai thác vượt dưới 15% công suất giấy phép khai thác khoáng sản nhằm nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước.

Minh Hằng