|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy điện 'đau đầu' vì thiếu nước, lợi nhuận quý II bốc hơi hai con số

10:26 | 27/07/2023
Chia sẻ
Tình hình thủy văn kém thuận lợi đã đẩy các nhà máy thủy điện rơi vào thế khó khi các hồ thường xuyên xuống mực nước chết, kết quả kinh doanh vì vậy cũng lao dốc. Theo các chuyên gia, El Nino có thể sẽ xuất hiện mạnh vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024, đồng nghĩa nắng nóng có thể nhiều hơn và khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ, gây hạn hán.

 Đồ họa: Alex Chu.

Sau một năm tỏa sáng, bước sang năm 2023, nhóm thủy điện được dự báo gặp bất lợi do tình hình thủy văn không còn thuận lợi khi hiện tượng El Nino gây nóng bắt đầu mạnh lên, đồng nghĩa La Nina suy yếu. Việc tăng trưởng chậm lại của các doanh nghiệp này thực tế đã xuất hiện từ nửa cuối năm 2022 và vẫn đang tiếp diễn đến nửa đầu 2023.

Thủy điện ‘lâm nguy’ vì hồ xuống mực nước chết

Bắt đầu từ tháng 4/2023, nắng nóng diễn ra hầu khắp cả nước. Nếu như các tỉnh thành phía Nam được hỗ trợ bởi hai nguồn cung điện chính là nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo (chiếm gần 90% công suất), thì miền Bắc lại phụ thuộc nhiều vào thủy điện (chiếm khoảng 48%) và nhiệt điện than (khoảng 43%).

Nguồn đầu vào cho thủy điện phụ thuộc hầu như từ yếu tố thủy văn. Do vậy, khi nắng nóng kéo dài, một loạt các nhà máy thủy điện kêu cứu vì hồ đã về mực nước chết, trong đó có rất nhiều hồ lớn như Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà.

Nhà máy Thủy điện Sơn La – hồ thủy điện lớn nhất Việt Nam với công suất 2.400 MW báo mực nước có lúc xuống thấp hơn 30 – 40 mét so với vạch mực nước dâng bình thường cho phép (215 m, tính từ mặt nước biển) và là mức thấp kỷ lục kể từ khi vận hành năm 2010.

Chính vì không đủ nguồn nước để vận hành, các công ty thủy điện đều hoạt động dưới công suất. Theo thống kê, cả 9 đơn vị công bố báo cáo tài chính quý II đều báo doanh thu sụt giảm hai chữ số, mạnh nhất là giảm 50% là trường hợp của Thuỷ điện A Vương (Mã: AVC).

Riêng Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO (Mã: ISH) chỉ giảm 3% do nhà máy đặt tại Bình Phước nên ít bất lợi hơn nhóm phía Bắc.

Doanh thu quý II/2023 của loạt công ty thủy điện báo giảm so với cùng kỳ. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Hệ quả là biên lãi gộp của các công ty thủy điện đều thu hẹp vài chục điểm phần trăm so với mức nền cao cùng kỳ, thậm chí có công ty Thủy điện Hương Sơn (Mã: GSM) kinh doanh dưới giá vốn.

Khi tình hình thủy văn không thuận lợi là biên lãi gộp của nhóm nhà máy thủy điện suy giảm. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Mặt khác, do nguồn thu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hoạt động sản xuất điện, trong khi đầu tư tài chính thường ít mang về lợi nhuận hoặc thua lỗ. Kết quả lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp được thống kê đều sa sút, giảm hai đến ba chữ số so với cùng kỳ năm ngoái, còn Thủy điện Hương Sơn thua lỗ gần 6 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Sự chênh lệch nguồn điện ở hai miền Nam - Bắc

Để khắc phục sự cố thiếu điện trong mùa nắng nóng, hệ thống đã phải huy động ở mức độ cao các nhà máy nhiệt điện, huy động vượt kế hoạch các nhà máy thuỷ điện có mực nước hồ cận mực nước chết, như các hồ: Đơn Dương, Đồng Nai 3, Yaly, Pleikông, Sê San 4, Hàm Thuận, Bản Vẽ... Vì vậy, một số nhà máy nhiệt điện than do phải huy động 100% thiết bị nên đã xảy ra sự cố với tổng cộng khoảng 2.900 MW.

"Đầu tháng 6/2023, hầu như ngày nào cũng phải sa thải phụ tải. Nếu tiếp tục phát điện khi các hồ thuỷ điện ở dưới mực nước chế, đường điều tiết của các nhà máy thuỷ điện sẽ bị phá vỡ và sẽ mất không ít thời gian để phục hồi. Để phục hồi mức nước các hồ thuỷ điện cần có thời gian, nên lịch sửa chữa các nhà máy nhiệt điện và tuabin khí sẽ bị đẩy lùi, ảnh hưởng không ít đến chế độ khai thác trong mùa khô 2024", Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương nhận định.

Trong khi miền Bắc thiếu điện, thì miền Nam lại dư dả hơn. Theo các chuyên gia, sự mất cân bằng về sản lượng điện ở Bắc - Nam chủ yếu nằm ở yếu tố kỹ thuật truyền tải điện và các cơ chế đầu tư năng lượng tái tạo ở phía Bắc chưa đủ hấp dẫn.

Nói về đường truyền, khả năng truyền tải điện từ phái Nam ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc – Nam đã luôn ở ngưỡng giới hạn cao (từ 2.500 MW đến 2.700 MW).

Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng.

Câu chuyện thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo từ hai năm trước bởi trong giai đoạn 2016 – 2022 miền Bắc đã không có thêm nguồn điện mới, trong khi điều kiện phát triển năng lượng tái tạo kém hấp dẫn hơn miền Nam. 

Sự kiện thiếu điện đang diễn ra là đều rất đáng tiếc. Có nhiều tình huống được đặt ra, như: Nếu không có sự cố các tổ máy nhiệt điện, nếu nhu cầu không tăng lên một cách đột ngột, nếu không xảy ra hiện tượng thuỷ văn bất thường,... nhưng điều quan trọng nhất là nếu hệ thống có dự phòng, chắc chắn sẽ khắc phục được những hiện tượng ngẫu nhiên tiêu cực trên, Cục Điều tiết Điện lực nhìn nhận.

 Nhà máy Thủy điện Sơn La đầu tháng 6/2023 cạn nước. (Ảnh: EVN).

El Nino duy trì đến khi nào?

El Nino thường xuất hiện 3 - 4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Sau 3 năm ảnh hưởng của La Nina gây mưa lũ lớn, ENSO (tên gọi chung về hiện tượng El Nino và La Nina) hiện đang chuyển sang thái trung tính. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có thể sẽ xuất hiện mạnh vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%. Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhấn mạnh với xu thế trên, trong thời gian tời, nắng nóng có thể nhiều hơn và khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ.

Các nhà khí tượng học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng cảnh báo, đợt El Nino mới này đáng lo ngại hơn rất nhiều vì có sự cộng hưởng với tình trạng nóng lên quá mức do biến đổi khí hậu, khiến thế giới phải vật lộn với nhiệt độ cao kỷ lục.

Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích Việt Nam với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế, nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023. Điều này sẽ gây bất lợi cho nhóm thủy điện.

Về dài hạn, Quy hoạch điện VIII đã thông qua cơ cấu nguồn điện Việt Nam với nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW, trong đó thủy điện khoảng 29.346 MW (chiếm 19,5%) và có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép.

Đến năm 2050, dự kiến nguồn điện từ thủy điện 36.016 MW (chiếm khoảng 6,3 - 7,3%) tổng công suất các nhà máy điện.

Nguồn tư liệu: Tổng hợp từ Quy hoạch Điện VIII. 

Minh Hằng