|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Để thiếu điện, EVN sẽ kiểm điểm trách nhiệm

20:17 | 30/06/2023
Chia sẻ
Trong báo cáo với Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thiếu điện tại miền Bắc dẫn đến phải tiết giảm điện trong thời gian qua.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đảm bảo cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết từ cuối tháng 5 đến nay, việc cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo được nguồn cung nên đã phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện nhằm đảm bảo an ninh, an toàn vận hành hệ thống điện.

Từ đầu tháng 6, EVN đã phải thực hiện tiết giảm điện. Công suất tiết giảm trung bình từ ngày 3/6-8/6 là 2.500-3.000 MW, đến giai đoạn từ 9-15/6 giảm xuống còn 2.000-2.500 MW và giai đoạn từ 15/6-22/6 là 1.200-2.000 MW.

Đặc biệt, từ ngày 8/6 đến 22/6, lượng công suất tiết giảm đối với khu vực Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, trong đó có 7 ngày không thực hiện tiết giảm, các ngày còn lại chỉ tiết giảm khoảng 15-45 MW, chiếm 0,5-1,5% công suất sử dụng của Hà Nội. 

Từ ngày 23/6, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới, nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.

Thời gian qua, EVN liên tục chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch vận hành, chuẩn bị các phương án để đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023. Tuy nhiên, thực tế với sự biến động rất nhanh của các yếu tố khó khăn trong giai đoạn tháng 4, tháng 5 dẫn đến tình trạng thiếu nguồn, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc.

Các yếu tố khó khăn đó là nước về các hồ thuỷ điện rất kém và thay đổi rất nhanh do ảnh hưởng của hạn hán. Trong 3 tháng đầu năm, nước về các hồ thủy điện tương đương so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, nước về các hồ thủy điện suy giảm đột ngột và kéo dài cho đến cuối tháng 6 dẫn đến sản lượng thuỷ điện bị thiếu hụt trong tháng 4 và 5 do nước về kém khoảng 2 tỷ kWh so kế hoạch đầu năm.

Một số tổ máy nhiệt điện sự cố dài ngày, chưa đưa vào vận hành theo kế hoạch khoảng 2.100 MW. 

"Tập đoàn sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới", EVN báo cáo.

Thông tin về khả năng cung ứng điện thời gian tới, EVN thông tin cho biết qua rà soát sơ bộ ở khu vực miền Bắc, dự báo nhu cầu phụ tải (Pmax) tăng xấp xỉ 10%/năm (tương ứng tăng thêm 2.400-2.900 MW/năm) trong khi các nguồn điện mới dự kiến đưa vào thêm trong năm 2024 khoảng 780MW, năm 2025 khoảng 1.620MW.

Do đó, việc cấp điện tại miền Bắc tiếp tục gặp nhiều khó khăn đặc biệt giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thuỷ điện xuống thấp.

EVN đang và sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cũng như sẽ có các kiến nghị đối với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và sẽ xin báo cáo chi tiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể đối với nhiên liệu than, EVN đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc thống nhất phương án tăng cấp than trong các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 5-7.

Đồng thời, EVN cũng phối hợp với TKV để làm việc với các nhà máy điện BOT Hải Dương, Vĩnh Tân 1, Mông Dương 2 để thống nhất giải pháp điều chuyển khối lượng than giữa các nhà máy BOT với các nhà máy của EVN.

Các biện pháp khẩn cấp trên đã bổ sung kịp thời than cho sản xuất điện, giảm tối đa các tổ máy phải ngừng vận hành do thiếu than. Từ ngày 22/5, EVN đã đảm bảo đủ than cho phát điện.

Đối với nhiên liệu khí, EVN đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6) và làm việc trực tiếp với đơn vị cấp khí là PVN/PVGas để nghiên cứu các giải pháp ưu tiên cấp khí cho phát điện trong thời gian cao điểm. PVN/PVGAS cũng đã tăng thêm lượng khí cho phát điện.

Về vận hành và huy động nguồn điện, EVN đã huy động tối đa tất cả nhà máy nhiệt điện than, khí và cả các nguồn nhiệt điện chạy dầu để điều tiết mực nước các hồ chứa thủy điện, nâng dần mực nước các hồ chứa khu vực miền Bắc nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phụ tải.

Đồng thời, tận dụng tối đa năng lực truyền tải của đường dây 500kV Nam - Bắc để huy động các nguồn điện khu vực miền 3 Nam, miền Trung hỗ trợ cho miền Bắc; theo dõi sát dự báo, diễn biến thủy văn nước về các hồ thủy điện để có các điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.

Ngoài ra, EVN cũng tăng cường nhập khẩu điện trong các tháng mùa khô, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết theo qui định để tăng thêm điện nhập khẩu, trong đó đã đóng điện vận hành các công trình để nhập khẩu điện Lào thêm 234MW (cụm NMTĐ Nậm Kông -120MW và cụm NMTĐ Nậm San - 114MW). Đồng thời EVN đã đàm phán nhập khẩu thêm 70MW tại khu vực Móng Cái từ ngày 24/5/2023.

Ngoài ra, EVN đã hỗ trợ các chủ đầu tư để hoàn thiện thủ tục pháp lý và đưa vào vận hành thương mại các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, chủ yếu bổ sung nguồn điện cho khu vực miền Trung, miền Nam.

Tính đến ngày 23/6 đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.852 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55 dự án, đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá và đã ký sửa đổi bổ sung hợp đồng với 51 dự án.

11 dự án với tổng công suất 545,7MW đã vận hành thương mại (COD). Còn các dự án đã ký PPA giá tạm với EVN chưa phát điện lên lưới chủ yếu là do thiếu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giấy phép hoạt động điện lực và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư do dự án bị trượt tiến độ hoặc thiếu cả ba văn bản trên. 

Hoàng Anh