|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế có thể lao đao vì thiếu điện, cần sòng phẳng hơn để giải quyết bài toán an ninh năng lượng quốc gia

13:34 | 16/06/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nếu giá điện quá thấp, giá bán điện còn thấp hơn giá thị trường và giá sản xuất, nhà đầu tư sẽ không muốn làm dẫn đến bài toán thiếu hụt năng lượng. Vì vậy, cần thay đổi tư duy một cách sòng phẳng hơn với nhà đầu tư để xử lý bài toán an ninh năng lượng quốc gia.

Trong những ngày gần đây, câu chuyện thiếu điện tại miền Bắc khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó càng thêm khó, cắt điện sản xuất làm tăng chi phí, đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giao hàng sẽ không đúng tiến độ, khiến chuỗi sản xuất bị gián đoạn, có thể dẫn đến hủy đơn hàng,…

Đặc biệt, cắt điện đột xuất còn khiến máy móc, dây chuyền bị hư hại, hàng hoá lỗi, hỏng, gây thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp.

Về lâu dài, việc thiếu điện có thể khiến cả nền kinh tế phải "lao đao", chưa lúc nào câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng lại nóng như lúc này.

Thiếu hụt dự án mới: Câu chuyện về vốn và thủ tục 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo, nhưng để có nguồn điện mới vào vận hành phải mất ít nhất 3-4 năm.

Ông Tuấn cho rằng, đảm bảo an ninh năng lượng phải chuẩn bị làm từ rất sớm. Các dự án điện từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư tới khi vận hành trải qua thời gian dài chuẩn bị thủ tục lập dự án, giải phóng mặt bằng hay thu xếp vốn.

Một dự án điện được phê duyệt chủ trương đầu tư không có nghĩa 6 tháng hay một năm là có thể phát điện được hay, mà cần ít nhất vài năm mới có thể đưa vào vận hành. Chưa kể, nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ nhiều năm so với quy hoạch được duyệt do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, như khó khăn chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chủ đầu tư, đàm phán hợp đồng BOT mất nhiều thời gian hay tổng thầu không đáp ứng yêu cầu tiến độ, ông Tuấn cho hay.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Hạ An).

Nhắc đến câu chuyện đầu tư cho ngành điện bị chậm trễ trong những năm gần đây, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, nếu như trong những năm qua, chúng ta đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là xử lý các dự án điện quốc gia thì có lẽ đã không phải chịu những áp lực về thiếu điện cục bộ gần đây. 

Nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi đó, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam cũng đang gặp một các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch, trữ lượng và sản lượng sản xuất ngày than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm.

Nền kinh tế có thể lao đao vì thiếu điện

Ở góc độ vĩ mô, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nêu vấn đề tại sao trong 5 năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa khởi công được dự án lớn nào trong khi nhu cầu tiêu thụ điện mỗi năm tăng 5-10%.

Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế phục hồi đã khó khăn lại gặp phải vấn đề thiếu hụt về điện khiến việc đạt mục tiêu tăng trưởng càng khó khăn hơn. Thậm chí, nếu không giải quyết tình trạng này có thể kéo dài trong 3-4 năm tới.

Chính EVN cũng cho rằng, nguyên nhân của việc thiếu điện một phần là do tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt trước đó đã gây áp lực đến cung cấp điện.

Đặc biệt là thủ tục đầu tư các dự án điện rất chậm, có dự án trình 1-3 năm chưa được duyệt. Để xây dựng một dự án điện không hề đơn giản, có lẽ nhanh nhất trong triển khai đầu tư là dự án điện mặt trời, chỉ dưới 1 năm, nhưng dư địa cho các dự án điện mặt trời tập trung đã không còn nhiều do các rào cản liên quan đến vấn đề đất đai.

Với hệ thống năng lượng tái tạo, dù phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500kV Bắc-Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: NVCC).

Theo ông Thành, ngoài vấn đề thủ tục có câu chuyện về nguồn lực đầu tư, vấn đề về giá. "Câu chuyện tăng giá điện đã được đặt ra từ những năm 2000, tuy còn những yếu tố như cần tăng cường tính minh bạch, tiết giảm chi phí, quản trị hợp lý của ngành điện nhưng phải thừa nhận rằng nếu giá điện quá thấp EVN sẽ không có nguồn lực đầu tư các dự án mới và cũng khó khăn trong thu hút đầu tư", ông Thành nói.

Để giải bài toán ngành điện, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện VIII, tuy nhiên theo TS. Thành vẫn rất khó để đạt được cùng lúc cả 4 mục tiêu: An ninh lưới điện; tiến tới lộ trình xanh hoá; hỗ trợ xã hội và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tức giá điện phải giữ ở mức thấp.

Nguyên nhân là do chính các mục tiêu này đã có sự mâu thuẫn với nhau và phải tìm ra điểm cân bằng. Đơn cử như câu chuyện xanh hoá, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo bằng giá FIT, khi tài trợ quá mức thì gây thâm hụt ngân sách, còn không ưu đãi thì khó phát triển, ông Thành phân tích.

Bài toán về nguồn vốn và giá bán cũng rất quan trọng đối với việc phát triển hệ thống năng lượng quốc gia, kể cả khi bố trí được vốn thì tốc độ giải ngân cũng là yếu tố cần tính đến khi đầu tư các dự án về điện. Phải làm sao giải ngân được nhanh chóng, hiệu quả để sớm đưa các dự án điện vào vận hành.

Xu hướng xanh hoá cũng thể hiện trong Quy hoạch điện VIII với sự gia tăng của năng lượng tái tạo. (Nguồn: VNDirect).

TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh rằng, với xu hướng hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư lớn sẽ chấp nhận giá điện ở mức cao nhưng đi kèm với đó là phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, năng lượng xanh. Bởi nếu không đạt được những điều kiện này thì sản phẩm của doanh nghiệp đó rất khó có thể cạnh tranh tại các thị trường khó tính.

"Chúng ta muốn giá điện thấp để thu hút đầu tư nhưng phải hiểu rằng xu hướng quốc tế hiện nay đã thay đổi, đôi khi yếu tố về năng lượng xanh, năng lượng sạch còn quan trọng hơn so với yếu tố về giá", ông Thành nói.

Cuối cùng là câu chuyện rủi ro, những yếu tố tiêu cực của thời tiết như biến đổi khí hậu, miền Bắc dựa nhiều vào thuỷ điện nên giai đoạn khô hạn bị thiếu điện trầm trọng. Ngay cả điện gió, điện mặt trời cũng có rủi ro về công nghệ, về giá FIT như vừa rồi hàng nghìn MWh điện mặt trời phải "nằm chờ" đấu lên lưới điện, đó là một rủi ro và nếu không quản trị tốt sẽ dẫn đến thiếu hụt điện cục bộ như hiện nay.

Vì vậy, ở góc độ vĩ mô cần phải làm sao vừa đảm bảo được môi trường kinh doanh dễ tiên liệu để thu hút nhà đầu tư vừa phải quản trị rủi ro để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.

Sòng phẳng với nhà đầu tư trong giá điện

Dẫn số liệu từ Quy hoạch điện VIII, báo cáo của VNDirect cũng chỉ ra rằng, nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030 là 114 tỷ USD, phân bổ chủ yếu cho điện gió (30%) và điện khí (35%).

Trong giai đoạn 2031-2050, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh lên 495 tỷ USD, với điện gió yêu cầu cao nhất khoảng 65% tổng nhu cầu, theo sau là điện mặt trời (18%). Nhu cầu vốn cho phát triển lưới điện vào khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021-2030 và 7% trong 2031-2050.

 Nhu cầu phát triển lưới điện truyền tải là rất lớn trong giai đoạn đến 2030 và từ 2031-2050. (Nguồn: VNDriect).

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong khi nhu cầu về đầu tư là rất lớn nhưng việc áp đặt giá bán điện thấp hơn giá thị trường khiến nhà đầu tư không muốn làm.

"Khi giá thấp thì nhà đầu tư không có động lực để đầu tư. Việc đàm phán giá bán điện với EVN cũng rất khó khăn vì EVN không thể mua điện cao hơn so với mức giá bán ra được Nhà nước quy định để gây lỗ. Trong khi đó nhu cầu điện vẫn tăng mà không có nguồn bổ sung mới, gây ra thiếu hụt", ông Cung nói.

Cũng nhiều năm qua, giá bán lẻ điện bình quân được Nhà nước quy định đã đứng im, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất điện của EVN vẫn tăng và tăng mạnh trong năm 2022. Khi giá bán ra không đủ bù đắp mức tăng của chi phí, thì tất yếu dẫn tới lỗ.

Việc EVN lỗ lớn trong năm 2022, theo công bố của các cơ quan chức năng, chỉ có thể giải quyết bằng hai cách: Tăng giá để bù lỗ hoặc ngân sách phải bù khoản đó.

"Nếu chúng ta không nhìn vào bản chất và sòng phẳng, thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Những thách thức này thì không phải EVN giải quyết được, mà đã vượt xa thẩm quyền của EVN", ông Cung đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu không giải quyết sớm sẽ khó có thể lấy được niềm tin của nhà đầu tư, bởi các dự án về điện đều có giá trị và thời gian rất lớn. Do đó, nhà đầu tư sẽ rất do dự vì lo ngại tương lai gặp vấn đề thì không có phương án giải quyết.

Hạ An

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.