|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh tế suy giảm, thương mại điện tử ảm đạm, người dân thắt hầu bao

11:27 | 16/06/2023
Chia sẻ
Thu nhập giảm, mất việc làm là những lý do khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiền cho các hoạt động mua sắm online.

Tại Trung Quốc, mùa mua sắm “681” thường niên lại vừa diễn ra. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ có phần kém hào hứng hơn bình thường khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trước bối cảnh nền kinh tế trì trệ và thu nhập giảm sút.

Được tổ chức vào ngày 18/6, đây là một trong hai mùa lễ hội mua sắm online lớn nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên với tình hình tài chính các hộ gia đình vẫn đang quay cuồng sau nhiều năm dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ ở mức cao kỷ lục và lĩnh vực bất động sản lung lay, những người tiêu dùng vẫn nói không với mua sắm online, bất chấp những chương trình kích cầu từ nhà bán lẻ, theo Nikkei.

“Các lễ hội mua sắm diễn ra trong nhiều ngày chỉ khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Mua một đống đồ về chỉ làm chật thêm nhà và lãng phí tiền bạc”, Nicole Liu, quản lý của một cửa hàng cho biết. 

“Bạn bè xung quanh tôi đang phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng tăng và không sẵn lòng chi tiêu, mặc dù họ có thể vẫn có đủ tiền tiết kiệm. Tôi cũng có những người bạn, do thu nhập gia đình giảm, phải chuyển con từ trường tư thục với học phí đắt đỏ sang trường có chi phí hợp túi tiền hơn”, Liu nói.

618 là màn đáp trả của JD.com đối với ngày độc thân của đối thủ Alibaba.

 Quảng cáo cho ngày 618. (Ảnh: Getty).

Cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ

Thu nhập hộ gia đình đã bị giáng một đòn nặng nề trong đại dịch và việc phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đồng đều cũng như chậm hơn so với dự kiến, đã khiến người tiêu dùng chi tiêu ít đi.

Năm nay, đa phần các nền tảng thương mại điện tử dự kiến sẽ không công bố tổng giá trị hàng hoá (GMV) - một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong ngành như một chỉ báo về doanh thu. Lần đầu tiên cả Alibaba và JD.com đều không công bố GMV, động thái được nhiều nhà quan sát coi là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên vàng của thương mại điện tử có thể đã kết thúc.

“Doanh số bán hàng năm nay là dữ liệu đặc biệt nhạy cảm”, một công ty nghiên cứu dữ liệu nói với Nikkei. 

Dù vậy, số liệu khác lại chỉ ra rằng người dân vẫn còn tiền nhưng không bỏ vào tiêu dùng nhiều như trước. Ông Dong Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực châu Á tại Pictet Wealth Management, cho biết: "Tiền gửi hộ gia đình đang ở mức cao lịch sử. Điều đó có nghĩa là mọi người không sẵn sàng chi tiền tiết kiệm để tiêu dùng hoặc mua bất động sản”.

Trước thực tế này, các nhà bán lẻ đã tăng cường các hoạt động khuyến mãi, tập trung vào yếu tố giá rẻ. Cả Alibaba và JD.com đều cho biết họ đang đầu tư “kỷ lục” vào việc giảm giá cho người mua hàng. 

2023 cũng là năm kỷ niệm 20 năm thành lập JD.com, và sàn thương mại điện tử này đã tăng cường các hoạt động quảng cáo của mình. Nhưng với môi trường vĩ mô đầy thách thức, chi tiêu tiêu dùng thận trọng và các nền tảng phải cạnh tranh gay gắt. 

Nhà phân tích Alicia Yap của Citi dự đoán JD.com sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng GMV từ 2% đến 5% năm nay. Năm ngoái, JD.com đã công bố tổng GMV là 379,3 tỷ nhân dân tệ (53 tỷ USD) cho mùa mua sắm kéo dài 18 ngày, tăng 10% so với năm trước đó.

Thói quen tiêu dùng thay đổi

Nhà phân tích Zhang Yi tại iiMedia Research (Quảng Châu), cho biết tác động của COVID đối với sức mua của người tiêu dùng vẫn đang được cảm nhận và nhiều người vẫn thận trọng trong việc chi tiêu.

“Ngoài ra, đa phần mọi người không còn tập trung chi tiêu vào một lễ hội thương mại điện tử cụ thể, vì mua sắm trực tuyến ngày nay đã được đa dạng hóa và bình thường hóa rất nhiều. Một số doanh nghiệp cũng không muốn đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn cho các lễ hội mua sắm này”.

Trung Quốc đang cố gắng chuyển từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư bất động sản sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, nhưng tiêu dùng trong nước đã chậm lại trong ba năm qua. 

Khi nhu cầu xuất khẩu bên ngoài tiếp tục giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc là thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước để duy trì tăng trưởng.

 Nhân viên bán hàng quảng cáo sản phẩm ngày lễ Độc thân. (Ảnh: EPA).

Tuy nhiên, trong tuần này Trung Quốc đã công bố số liệu kinh tế đáng thất vọng trong tháng 5 khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao kỷ lục và doanh số tiêu dùng bán lẻ thấp dưới mức mong đợi. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 20%, có nghĩa là 6,5 triệu người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc đang thất nghiệp.

Kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài 5 ngày trong tháng 5 dù chứng kiến lượng vận tải trên cả nước tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2019 song tổng doanh thu chỉ tăng 0,66% so với trước đại dịch. Đồng nghĩa với việc du khách chi tiêu cho các chuyến du lịch nội địa đã giảm đi rất nhiều.

Năm nay, bà Tao Wang, nhà kinh tế trưởng của UBS tại Trung Quốc, cho biết sự phục hồi trong tiêu dùng dự kiến sẽ diễn ra từ từ và được thúc đẩy bởi các dịch vụ, trong khi nhu cầu đối với các mặt hàng đắt tiền như đồ nội thất và thiết bị gia dụng vẫn yếu do phải liên quan đến thị trường bất động sản.

“Chúng tôi hy vọng người tiêu dùng sẽ chi tiêu khoản tiết kiệm dư thừa, và lòng tin tiêu dùng sẽ được cải thiện dần dần”, bà nói thêm.

Đức Huy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.