Phó Ban KTTW: Nguồn lực DN cũng là nguồn lực quốc gia, nếu xử lý sớm vướng mắc thì sẽ không phải chịu áp lực thiếu điện
Đánh giá ngành năng lượng Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn tại chuyên đề về năng lượng tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 14/6, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (KTTW) chỉ ra ba nhóm vấn đề vướng mắc chính về lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Thứ nhất là, nhóm vấn đề về thể chế, cơ chế chính sách. Các doanh nghiệp đều kiến nghị hệ thống cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng cần ban hành sớm, công khai, minh bạch và có thể dự đoán trước được.
Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến hồi tố, quy định về phòng cháy chữa cháy cũng đang là vướng mắc phổ biến của các doanh nghiệp. Hiện Bộ xây dựng đã tiếp thu và chỉnh sửa, hoàn thiện lại, Phó Trưởng Ban KTTW cho hay.
Đặc biệt, trong Nghị quyết 55 nêu rõ cần có những cơ chế đặc biệt, đặc thù để phát triển hệ thống điện trong đó có truyền tải điện.
"Nếu như trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là xử lý các dự án điện quốc gia thì có lẽ đã không phải chịu những áp lực về thiếu điện cục bộ gần đây", ông Hiển nói.
Hoặc có những thể chế đã được ban hành nhưng thực thi lại rất chậm, như việc Nghị quyết 55 nêu việc xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo nhưng trong quá trình triển khai lại có rất nhiều vướng mắc, nhiều dự án tư nhân đi tiên phong lại gặp phải những vấn đề đáng tiếc.
Ví dụ như CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đầu tư vào hệ thống truyền tải, khi triển khai phát sinh những vướng mắc, với vấn đề này Nhà nước cần vào cuộc để tránh dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực. “Nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực chung của đất nước”, ông Hiển nói.
Cần phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp để đẩy nhanh việc triển khai các dự án về năng lượng. Hiện Quốc hội cũng đang có chương trình giám sát về năng lượng, ông Hiển cho hay.
Thứ hai là vấn đề nguồn lực, với mục tiêu từ Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần khoảng 11,5 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn, lưới điện. Vì vậy, không thể dựa hoàn toàn vào nguồn lực trong nước mà phải có cơ chế để thu hút đầu tư nước ngoài hoặc cơ chế để doanh nghiệp trong nước hợp tác với nước ngoài với những chính sách rất cụ thể.
Đơn cử như những hợp đồng phải thể chế rõ rủi ro chứ không chỉ trách nhiệm, hợp đồng là cơ sở để xác định tổng vốn toàn bộ dự án hay vấn đề dòng tiền chung,… có rất nhiều đang vướng mắc, Phó Ban KTTW nêu vấn đề.
Theo ông, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo như PTSC có thể tham gia sản xuất các chân đế hay sản xuất các linh kiện.Phải giao cho các doanh nghiệp Nhà nước tham gia các dự án trọng điểm có yếu tố quốc phòng an ninh.
Nhà nước hiện đã có chủ trương, định hướng nhưng việc thể chế hoá còn đang vướng mắc. Sắp tới khi sửa đổi hàng loạt văn bản pháp luật như Luật Đấu thầu để làm sao các doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.
Thứ ba là về công nghệ, các vấn đề này sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tại phiên toàn thể diễn ra vào chiều 14/6, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho hay.
Có hay không việc giá điện bằng 0?
Nêu những khó khăn vướng mắc, ông Lê Trường Thuỷ, Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ điện Mai Châu cho hay: "Khi nghiên cứu Sơ đồ quy hoạch điện VIII, chúng tôi nhận thấy Chính phủ đang đi đúng hướng, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề để phát triển ngành điện".
Theo ông Thuỷ, Hiện thuỷ điện đã đến hạn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy phải phát triển năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc đối với năng lượng tái tạo. Đầu tiên là vấn đề về giá điện với các dự án năng lượng tái tạo. Theo đối tác nước ngoài, giá ưu đãi FIT của Việt Nam hiện khá cao so với các quốc gia trên thế giới, nhưng nếu đã ký hợp đồng 20 năm mà không duy trì được giá này thì Việt Nam sẽ gặp phải các vấn đề về khiếu kiện.
Ngược lại, nếu không có giá cao để ưu đãi thì lại rất khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, do dự án điện tái tạo cần chi phí lớn, thời gian triển khai dài.
Ông Thuỷ cũng chỉ ra một số bất cập về thủ tục, giấy tờ hành chính gây cản trở đến hoạt động đầu tư. Ví dụ như bản thân doanh nghiệp này sau một năm triển khai dự án điện mặt trời, phát lên lưới rồi lại bị hồi tố các thủ tục về đất đai.
"Hàng trăm triệu đồng tiền điện của doanh nghiệp sẽ không được thanh toán nếu không làm đủ hồ sơ giấy tờ", ông Thuỷ cho hay. Ông cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào điện gió, điện gió ngoài khơi thay vì phát triển ồ ạt điện mặt trời. Bởi, điện mặt trời cần hệ thống lưu trữ nếu không nguồn điện này không ổn định, không đáp ứng được yêu cầu kinh tế xã hội.
Ông cũng nhắc đến vấn đề về trên thế giới có trường hợp một số thời điểm giá điện bằng 0 trong khi Việt Nam có nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm.
Giải thích về vấn đề giá điện bằng 0, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giảng viên cao cấp về Công nghệ và Chính sách năng lượng, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, giá điện bằng 0 không có nghĩa là người mua điện sẽ được miễn phí, có những thời điểm điện tái tạo có giá rất thấp nhưng đó là ở thị trường bán buôn còn người mua vẫn phải trả tiền.
"Giá điện bằng 0 cũng chỉ ở một thời điểm nào đó thôi chứ không phải kéo dài. Cần có những toạ đàm phân tích rõ hơn về vấn đề này để người dân hiểu được chứ không phải một số quốc gia, người dân không cần trả tiền để sử dụng điện", ông Lương nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/