|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xi măng chờ cơ hội tăng tiêu thụ nội địa từ các dự án đầu tư công

20:12 | 11/08/2023
Chia sẻ
Xây dựng dân dụng giảm tốc, hàng loạt dự án gặp khó khăn về vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm,… đang tạo ra thách thức không nhỏ trong việc sản xuất, kinh doanh xi măng suốt thời gian qua.

Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.

Nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp khác nhau phụ thuộc đặc thù từng ngành; trong đó có xi măng.

Trên thực tế, việc dư nguồn cung xi măng đang là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành xi măng ở thời điểm hiện tại. Nhìn vào những con số có thể thấy rõ khi trung bình toàn ngành đang sản xuất khoảng 120,7 triệu tấn một năm, trong khi thị trường nội địa chỉ ở mức trên dưới 60 triệu tấn một năm.

Bên cạnh đó, việc Nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản đã khiến thị trường này rơi vào trầm lắng. Cùng đó, xây dựng dân dụng cũng theo đà giảm tốc, hàng loạt dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp… Những yếu tố này đang tạo ra thách thức không nhỏ trong việc sản xuất, kinh doanh xi măng trong thời gian qua.

Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than vẫn duy trì ở mức cao khiến cho hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này giảm mạnh. Ông Lê Nam Khánh - Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) nhận xét, những quý đầu năm 2023 là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam. Sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn đeo đuổi các doanh nghiệp xi măng.

Hiện nay, điều mong đợi lớn nhất của các nhà sản xuất xi măng là hệ thống đường cao tốc khởi động để có cơ hội đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa, bởi kênh xuất khẩu hiện đang rất khó khăn.

Ông Lương Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra của ngành bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, khu đô thị, đường giao thông…, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.

​Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp xi măng nên tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh số bán hàng. Việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp xi măng đi vào nhiều phân khúc thị trường, tối đa hóa ứng dụng trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xi măng cần tối ưu hóa sản xuất qua việc cải tiến công nghệ để tăng năng suất và giảm chi phí. Điều này giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Đặc biệt là vấn đề tận dụng nhiệt dư để phát điện và sử dụng đốt rác thải thay thế một phần nhiên liệu – các chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Việc tìm mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả thị trường xuất khẩu cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh số và giảm thiểu tác động của sự dư thừa sản lượng trong nước. Nhiều dự án vùng sâu vùng xa được các doanh nghiệp xi măng tiếp cận triển khai bán hàng. Bên cạnh đó, cần vận động để các công trình hạ tầng sử dụng nhiều xi măng như cầu cạn, đường bê tông, bê tông hóa nông thôn, hải đảo…- chuyên gia "hiến kế"

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm giải pháp mới và cải tiến hiệu suất sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. Đồng thời, kiểm toán năng lượng, tìm ra khâu tiêu thụ nhiều năng lượng để cải tiến hiệu chỉnh; cắt bớt công đoạn sản xuất không hiệu quả; tăng cường quản trị tự động hóa, số hóa và sử dụng cơ sở dữ liệu lớn trong hoạt động sản xuất cũng như bán hàng.

Trong thời điểm khó khăn này, có doanh nghiệp lại chọn cách hợp tác với các đối tác để tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận, giúp chia sẻ chi phí và tận dụng được nhiều nguồn lực khác nhau nhằm tạo ra giá trị cao hơn.

Thậm chí, các doanh nghiệp xi măng có thể hợp tác để cùng nhau chia sẻ những tài nguyên, thiết bị, phương tiện, tài chính… để tối ưu hóa quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, có sự phối kết hợp, phân chia thị phần hợp lý để không có sự chồng chéo, lãng phí hoặc cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm mức lợi nhuận chung của ngành.

Việc mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả xuất khẩu cũng là một trong những giải pháp quan trọng. (Ảnh: TTXVN).

Hiện Chính phủ đang nghiên cứu đưa ra các chính sách hỗ trợ để giải quyết tình trạng khủng hoảng trong ngành xi măng, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và giảm thuế. Mặc dù chưa có “tín hiệu” rõ ràng nhưng các chuyên gia khuyên doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để giảm thiểu thiệt hại và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để giúp ngành xi măng “thoát hiểm”, ông Lương Đức Long cho rằng, cần có sự tham mưu rốt ráo của các ban, ngành. Đó là các chính sách tháo gỡ về vốn, tín dụng, thị trường bất động sản hay đẩy mạnh đầu tư công. Bên cạnh đó, kiên quyết không cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư các dự án xi măng mới với mục tiêu không rõ ràng, triển khai trong thời gian tới. Việc đưa ngành xi măng Việt Nam trở lại vị thế cạnh tranh một cách bình thường trên thị trường vẫn cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan.

Từ đầu tháng 7, các Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng đã gửi kiến nghị đề nghị Chính phủ xem xét các biện pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng trong nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan xử lý những kiến nghị của Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng về việc khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm theo quy định.

Với các trường hợp vượt thẩm quyền, Thủ tướng yêu cầu đề xuất phương án xử lý, báo cáo trước ngày 15/8/2023. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan xử lý kiến nghị của Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng về việc xây dựng đường dạng cầu cạn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2023.

Theo phản ánh của các Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng, hiện nay, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, người dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ.

Để giải quyết khó khăn, đại diện các Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 - 100% của kế hoạch năm 2023; chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để người dân được vay vốn kịp thời. Đồng thời, đề nghị sớm giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời.

Thu Hằng