Doanh nghiệp xi măng khó có thể nâng giá bán sản phẩm dù giá điện tăng tới 7,6%
Doanh nghiệp khó nâng giá bán dù chi phí đầu vào tăng
Ngày 9/11 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chính thức điều chỉnh giá điện bán lẻ lên hơn 2.006 đồng/kWh, tăng 7,6% so với đầu năm. Đây là đợt tăng giá điện thứ hai trong năm 2023 sau chu kỳ đi ngang kéo dài 4 năm, kể từ 2019.
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định việc tăng giá bán lẻ điện có thể tác động tiêu cực đến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng như xi măng, thép, hóa chất.
Riêng lĩnh vực xi măng, điện chiếm khoảng 14-15% giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn.
Mirae Asset nhận định giá điện bán lẻ tăng thêm 4,5% sẽ khiến giá vốn hàng bán nhích lên 0,6%. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, giá điện đã tăng tới 7,6%, điều này đồng nghĩa giá vốn hàng bán của doanh nghiệp nhảy lên 1,1%, tức nguồn năng lượng này chiếm trên 15% chi phí sản xuất xi măng.
Thông thường, khi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp có thể giảm tác động bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên trong kịch bản doanh nghiệp không thể chuyển tiếp chi phí điện sang người tiêu dùng, Mirae Asset cho rằng với mức tăng 4,5%, lợi nhuận trước thuế của ngành xi măng có thể giảm tới 21%, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trao đổi với người viết, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết ở điều kiện bình thường (không tính đến bão giá năng lượng năm 2022), điện chiếm khoảng 13% giá vốn clinker và 15% chi phí sản xuất xi măng.
Tuy nhiên sau khi tăng giá điện bán lẻ lên 2.006 đồng/kWh, tỷ trọng này có thể tăng khoảng 1,5%, lên 14,5% với clinker và 16,5% với xi măng thành phẩm.
Chỉ trong vòng 3 năm (2020-2023), ngành xi măng liên tiếp đối mặt với những “cú sốc” ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm như dịch Covid-19, cơn bão giá than và sự suy thoái của thị trường bất động sản.
Ông Lương Đức Long cho rằng việc giá điện liên tục tăng là “cú đấm bồi” với ngành xi măng khi doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau những biến cố nói trên.
Về lý thuyết, khi chi phí đầu vào đi lên, doanh nghiệp sẽ tăng giá bán sản phẩm để bù đắp thiệt hại. Tuy nhiên ở thời điểm này, doanh nghiệp xi măng khó có thể làm được điều này.
“Đối với ngành dệt may, thực phẩm, giá rẻ có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Xi măng thì khác, công trình và người dân chỉ mua khi có kế hoạch xây dựng, không phải cứ tăng giá hay giảm giá là có thể bán được hàng”, Phó Chủ tịch VNCA nói.
Trong bối cảnh tiêu thụ xi măng ảm đạm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, ông Lương Đức Long cho rằng doanh nghiệp xi măng sẽ tiếp tục khó khăn trong quý IV này.
Bảng thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 của các doanh nghiệp xi măng đã niêm yết cho thấy 5/6 công ty lỗ sau thuế, một doanh nghiệp còn lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 76%.
Theo Phó Chủ tịch VNCA, doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng, công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm đã tốn khoảng 200 triệu USD. Nếu những khó khăn kéo dài thêm, doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, lãng phí vốn đầu tư.
Trong khi đó, Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhu cầy xây dựng các công trình như đường sá, thủy lợi, nhà cửa... vẫn rất cao, nếu thiếu xi măng sẽ tạo ra hệ lụy lớn.
Do điện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất xi măng, ông Lương Đức Long cho rằng cần có lộ trình điều chỉnh giá điện cụ thể hơn, tránh tăng sốc để doanh nghiệp thích nghi và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, ông Long đề nghị cơ quan quản lý can thiệp biện pháp thuế, phí, hỗ trợ các công ty xi măng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về phía các doanh nghiệp, đại diện VNCA cho biết gần 50% nhà máy công suất lớn đã lắp trạm phát nhiệt dư, sản xuất điện từ nguồn khí thải nhà máy. Giải pháp này có thể tự túc 25-30% nguồn điện với chi phí đầu vào bằng 0, giảm đi phần nào áp lực giá điện.
Nhiều rào cản khi xuất khẩu
Trong vài năm gần đây, ngành xi măng luôn trong tình trạng cung vượt cầu. Số liệu của VNCA cho thấy công suất của các nhà máy đã đạt gần 130 triệu tấn, trong khi tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 65 triệu tấn. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng lượng hàng dư thừa.
10 tháng năm 2023, xuất khẩu xi măng và clinker đạt 26,2 triệu tấn, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Phó Chủ tịch VNCA dự báo tiêu thụ xi măng năm 2023 có thể đạt tối đa 90 triệu tấn, trong đó xuất khẩu dự kiến khoảng 30 triệu tấn.
Ông Long cho biết xi măng chỉ bảo quản trong khoảng 60 ngày, trong khi clinker có thể dự trữ tới 6 tháng. Hai sản phẩm này chỉ khác nhau ở công đoạn nghiền, do vậy các nước có xu hướng nhập nhiều clinker hơn xi măng.
Tuy nhiên, sản phẩm này lại đang phải chịu mức thuế xuất khẩu khá cao, lên tới 10%, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặt khác, clinker không được hưởng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
“Clinker là sản phẩm công nghệ cao, không phải nguyên liệu thô nhưng lại chưa được đối xử bình đẳng như một loại hàng hóa. Do vậy, chúng tôi đề nghị đưa clinker vào sản phẩm được hoàn VAT”, ông Long nói.