Người dân phải chi thêm bao nhiêu tiền khi giá điện tăng 4,5%?
Chiều 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo sau khi công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,5% lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Với sự điều chỉnh này, giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các bậc thang cũng tăng theo. Cụ thể, mỗi kWh ở bậc 1 tăng thêm 78 đồng lên 1.806 đồng; bậc 2 tăng thêm 80 đồng, lên 1.866 đồng; bậc 3 tăng thêm 93 đồng lên 2.167 đồng; bậc 4 tăng thêm 117 đồng lên 2.729 đồng; bậc 5 tăng thêm 131 đồng lên 3.050 đồng; bậc 6 tăng 136 đồng lên 3.151 đồng.
Theo EVN, với giá điện mới, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (người dân) sẽ chịu mức tiền điện tăng thêm từ 3.900 - 55.600 đồng/tháng. Nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ (có 547.000 khách hàng) phải trả thêm 230.000 đồng/tháng.
Nhóm khách hàng sản xuất (1.909.000 khách hàng) phải trả thêm 432.000 đồng/tháng. Nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (681.000 khách hàng) phải trả thêm 90.000 đồng/tháng. Đồng thời, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Theo số liệu thống kê, năm 2022, cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.